An toàn hồ đập mùa mưa bão – Bài 1: Gia tăng nhiều nỗi lo từ thiên tai

Duy Minh|26/08/2021 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cả nước hiện có trên 7.500 đập, hồ chứa với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3. Trong đó có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng và thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Đã vào mùa mưa bão, nỗi lo mất nhà, mất tài sản và thậm chí tính mạng của người dân vùng hạ du do hồ, đập thiếu an toàn đang hiển hiện.

Cả nước còn 1.200 hồ chứa thủy lợi xuống cấp

Theo báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra rà soát của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trên cả nước hiện còn 1.200 hồ chứa thủy lợi bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ.

Hiện nay, cả nước đã xây dựng được trên 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi, trong đó có 419 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp, phân bố tại 45/63 địa phương trên cả nước. Các hồ chứa thủy lợi lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn. Trong đó, năm 2019, Chính phủ đã hỗ trợ cho 30 tỉnh 500 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 84 hồ.

Nếu không có phương án bảo vệ an toàn cho đập hồ Ba Khe, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) sẽ rất nguy hiểm cho hơn 400 hộ dân của xóm Lộc Tiến, xã Thượng Tân Lộc sinh sống phía hạ du

Theo báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra rà soát của Tổng cục Thủy lợi, riêng khu vực miền núi phía Bắc còn 343/1.200 hồ chứa bị hư hỏng, thiếu khả năng xả lũ, cần sửa chữa nâng cấp bảo đảm an toàn. Trong đó, có khoảng 59/200 hồ chứa bị hư hỏng nặng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, mặc dù đã được Chính phủ quan tâm, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, tuy nhiên, những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây mưa, lũ cực đoan diễn biến phức tạp, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hồ chứa. Từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 71 sự cố đập, hồ chứa.

Về 343 hồ thuộc khu vực miền núi phía Bắc bị xuống cấp, hư hỏng nặng, Tổng cục Thủy lợi cho biết thêm, đây là những hồ tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, các hồ này chủ yếu được xây dựng đã lâu. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và sửa chữa, bảo trì công trình chưa được UBND các tỉnh quan tâm đúng mức, chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều địa phương giao hồ chứa lớn, vừa cho cấp huyện, xã trực tiếp quản lý. Đối với các hồ chứa nước nhỏ được giao cho cấp xã nhưng chưa thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, khai thác theo quy định. Do vậy, công tác kiểm tra, phát hiện hư hỏng và sửa chữa hư hỏng không kịp thời, dẫn đến sự cố hồ chứa nước.

Đập Đẩm Thìn, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ có dung tích 600 nghìn m3 bị vỡ hồi tháng 5/2020 gây thiệt hại hoa màu của nhân dân

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây mưa, lũ cực đoan diễn biến phức tạp, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn hồ chứa. Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 71 sự cố vỡ đập, tập trung trong các năm 2017 (23 sự cố), 2018 (12 sự cố), 2019 (11 sự cố) và sự cố vỡ đập Đầm Thìn, Phú Thọ ngày 28/5/2020.

Ống dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ, 228 triệu m3 nước đã cuốn trôi hoa màu, nhà cửa của hàng trăm hộ dân sống dọc sông Bung, đoạn qua huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Mặc dù ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 cũng như các hồ đập ở nhiều địa phương chưa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng những hồ đập thủy lợi, thủy điện như những “quả bom nước” có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, đe dọa an toàn tính mạng của hàng triệu hộ dân sinh sống tại vùng hạ du.

Được biết, đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ ở một số địa phương có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30 – 50 năm điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế; không được kiểm định trước mùa mưa lũ; không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn.

Hệ thống hồ chứa thủy điện nhỏ hơn so với hồ chứa thủy lợi, nhưng về quy mô (gồm dung tích chứa, chiều cao đập) thì lại lớn hơn rất nhiều, với tổng dung tích chứa 56 tỷ m3, chiếm 86% dung tích chứa của tất cả các hồ chứa Việt Nam. Mặc dù các hồ chứa thủy điện đều đã xây dựng quy trình vận hành đơn hồ, hoặc liên hồ trong một lưu vực sông, nhưng đến mùa lũ, do diễn biến thời tiết và tuân thủ vận hành, nhiều nhà máy thủy điện được xem là gây thêm tác động ngập lụt cho hạ du.

Khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng có số lượng hồ chứa lớn nhất. Đây cũng là vùng có dân số đông và nhiều vùng có mật độ dân cư cao, đặc biệt là vùng đồng bằng. Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức đoàn đi khảo sát ở một số hồ đập tại Thanh Hóa và Hòa Bình. Quá trình khảo sát cho thấy, các đập, hồ lớn về cơ bản là đảm bảo an toàn, nhưng những hồ nhỏ xây dựng từ rất lâu nên có nhiều nguy cơ mất an toàn.

Báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro mất an toàn hồ đập như: Nước tràn qua đỉnh đập, sạt trượt, lún sụt thân hoặc nền đập, vỡ đập, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du. Các chuyên gia cũng đặc biệt quan tâm đó là tác động việc xả lũ của các hồ thủy lợi, thủy điện đối với vùng hạ du.

“Thứ nhất là lũ đến bất ngờ. Thứ hai là công tác dự báo không chính xác. Thứ ba là nguồn nước nằm ngoài dòng chính. Khi xả lũ, người ta biết đập ở đâu, nhưng bây giờ tất cả đường xả lũ lại bị hơn 3.000 nhánh sông, suối chằng chịt đan nhau. Tiếp đó là mưa lớn xuất hiện trong diện hẹp. Những yếu tố chủ quan thì tôi cho rằng, thiếu hệ thống quan trắc dùng cho các hồ chứa, không tính được việc xả nước khi mùa lũ đến và hư hỏng công trình”- Giáo sư Vũ Trọng Hồng cho biết.

Mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng nhiều nên vẫn có một số lượng hồ đập lớn hư hỏng nghiêm trọng chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Ví dụ, ở Thanh Hóa còn 50% hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ chứa mất an toàn; Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình có 192/544 hồ hư hỏng xuống cấp.

Nhiều sông, hồ ở Hà Tĩnh về mùa khô thì hạn hán, nhưng mùa mưa thì luôn tiềm ẩn lũ quét, sạt lở

Theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện trên cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3. Trong đó có 401 đập, hồ chứa thủy điện; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi; các hồ chứa đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt và 1 hồ thủy lợi liên tỉnh; địa phương quản lý 8 hồ chứa thủy lợi liên tỉnh, 6.737 hồ chứa các loại và 419 đập dâng.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích trên 3 triệu m3 đảm bảo an toàn và được giao cho các công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi trực thuộc UBND cấp tỉnh quản lý, khai thác, đảm bảo năng lực quản lý, vận hành.

Với các hồ chứa thuỷ lợi vừa và nhỏ 100% là đập đất, chủ yếu được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế; thiếu kinh phí sửa chữa nâng cấp thường xuyên. Các hồ chứa nước nêu trên hầu hết được giao cho huyện, xã quản lý và một số hồ chứa ở Tây Nguyên giao cho Tổng công ty Cà phê Việt Nam quản lý. Đội ngũ quản lý đa số không có cán bộ thuỷ lợi chuyên trách, không được đào tạo chuyên môn quản lý an toàn đập nên hiệu quả quản lý hạn chế.

Công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi luôn được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Giai đoạn từ năm 2003 đến nay, bằng nguồn vốn Chương trình an toàn hồ chứa và các nguồn vốn khác, cả nước đã đầu tư sửa chữa được gần 900 đập, hồ chứa nước các loại với tổng kinh phí gần 16.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng và thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ du, cần đặc biệt quan tâm và xử lý cấp bách.

Nguyên nhân sự cố do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp; chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn thiết kế, đơn vị thi công thiếu kinh nghiệm, chủ quan không lường hết được các tình huống thiên tai khi thi công; năng lực của đơn vị quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các hồ nhỏ được giao cho UBND cấp huyện, xã quản lý. Công tác kiểm định định kỳ an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, việc kiểm tra hồ đập bằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa, hư hỏng trong thân đập.

Duy Minh

Bài liên quan
  • Đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa nước
    Moitruong.net.vn – Để đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa nước trong mọi tình huống biến đổi khí hậu, mưa lũ cực đoan là mệnh lệnh mà chúng ta phải thực hiện bằng được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn hồ đập mùa mưa bão – Bài 1: Gia tăng nhiều nỗi lo từ thiên tai