Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, hướng vào Hà Tĩnh – Bình Định

Minh Anh|23/09/2021 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng sớm nay (23/9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang cách bờ biển Phú Yên – Bình Định khoảng 340km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 23/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên khoảng 330km, cách bờ biển Bình Định khoảng 340km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 560km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc. Đến 4 giờ ngày 24-9, vị trí tâm bão trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, cách huyện đảo Lý Sơn 30km, cách Quy Nhơn 150km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vị trí và dự báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh Tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.

Từ chiều nay (23/9), vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4m; biển động rất mạnh.

Bên cạnh đó, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Trung tâm khí tượng dự báo, từ tối và đêm nay, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định gió giật mạnh cấp 6-8.

Khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định từ hôm nay đến 24/9 mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; các tỉnh Kon Tum, Gia Lai mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Từ 24-25/9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Trước đó, ngày 22/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã có công điện yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản trên biển và chuẩn bị các phương án ứng phó với mưa lớn có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên đất liền.

Minh Anh

Bài liên quan
  • Bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
    Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 9), vùng biển phía tây của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, hướng vào Hà Tĩnh – Bình Định
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.