Ngày 30/5, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thông tin một phần diện tích san hô tại các vùng biển như Vịnh Côn Sơn, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau... đang gặp tình trạng tẩy trắng và chết với tỷ lệ đáng báo động nghi do đợt El Nino trong tháng 4 - 5 làm nước biển tầng đáy nóng lên.
Trước đó, ngày 28/5, Phòng Bảo tồn và hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia Côn Đảo tiến hành khảo sát, kiểm tra các rạn san hô ven bờ ở các vùng biển, như Vịnh Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Vịnh Đầm Tre, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Tre Lớn, Ông Đụng, Hòn Bà, Hòn Tài và Hòn Trứng. Quá trình khảo sát bước đầu ghi nhận ước lượng san hô bị tẩy trắng và chết với tỷ lệ khá lớn.
Đây không phải lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra tại Côn Đảo. Vấn đề tương tự đã từng diễn ra vào các năm 1998, 2010, 2016, những năm mà Trái Đất hứng chịu hiện tượng El Nino, khiến nước biển nóng lên bất thường.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ lý tưởng cho san hô nằm trong khoảng 24-30 độ C. Tuy nhiên, hiện tại nhiệt độ nước biển tầng đáy tại Côn Đảo đã lên tới 32 độ C.
Biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng san hô chết và tẩy trắng tại các đảo.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo nhận định, nếu nhiệt độ nước biển không giảm, khả năng phục hồi của san hô sẽ rất thấp và diện tích san hô chết sẽ ngày càng tăng.
Các chuyên gia về hải dương học và địa chất học cảnh báo rằng san hô chết hàng loạt là vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái biển và các sinh vật sống trong khu vực.