Thông tin từ Sở TN-MT, việc xử phạt các trường hợp không phân loại rác tại nguồn sẽ được thực hiện theo lộ trình chậm nhất vào ngày 31/12/2024. Ngày 25/8/2022 là thời điểm Nghị định trên có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt.
Luật BVMT năm 2020 quy định, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ TN-MT để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn. Sau khi Bộ TN-MT ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… tại địa phương mình để quy định chi tiết, lộ trình thực. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này.
Ngoài việc xử phạt người dân, hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn, Nghị định 45/2022/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền 20-25 triệu đồng với hành vi không phân loại tại nguồn với chất thải rắn công nghiệp thông thường. Chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư tập trung cũng bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.
Từ ngày 5/6/2022, thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu đã thực hiện thí điểm việc phân loại rác tại nguồn. Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình phân loại rác tại nguồn tại thôn 1 xã Long Sơn đã dần tạo thành nề nếp, hình thành thói quen trong việc phân loại rác ngay từ bước đầu cho người dân.
Theo ông Châu Phúc Lộc, Bí thư Chi bộ thôn 1, thôn có 740 hộ dân thì 100% hộ đã đăng ký thực hiện phân loại rác tại nguồn. “Trước đây khi chưa triển khai hoạt động này, người dân trong thôn mạnh ai nấy đổ ra dọc đường, nên dọn dẹp rất cực. Từ khi phân loại, rác được chứa trong thùng, có đơn vị đến thu gom, ý thức của người dân cũng được nâng lên”, ông Lộc nói.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, phân loại rác là một trong những giải pháp nhằm giảm tải áp lực cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý, hạn chế mức độ gây ô nhiễm môi trường và điều này chỉ có hiệu quả khi được thực hiện tại nguồn. Xây dựng ý thức phân loại rác tại nguồn, đồng nghĩa với việc nâng các giá trị nhận thức, hành động chung mang tính cộng đồng để phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen của người dân. Khi đã thành thói quen rồi thì việc thực thi và áp dụng các giải pháp xử phạt sẽ đơn giản hơn. Sở TN-MT đang rà soát, đánh giá lại những mô hình thí điểm phân loại rác, đồng thời xây dựng lộ trình để sớm đưa việc phân loại rác đi vào thực tiễn.
“Việc phân loại rác thành công không chỉ làm giảm phần lớn diện tích chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh mà còn biến rác thành tài nguyên qua việc tái chế, tái sử dụng. Từ đó, góp phần sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên - yếu tố quan trọng hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững cho tương lai”, ông Đặng Sơn Hải, nhấn mạnh.