(Moitruong.net.vn) – Theo Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), những năm qua, đơn vị đã thực hiện tốt các biện pháp điều tiết nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân nông thôn. Tính đến hết năm 2017, tại các xã đã có hơn 56.600 hộ dân được sử dụng nước máy đạt tiêu chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67,5%.
>>>Vũng Tàu: Tăng cường công tác bảo vệ nguồn nước
Người dân tỉnh BRVT vui mừng vì có nước sạch để sinh hoạt
Người dân bớt khổ vì được dùng nước sạch
Cuối năm 2017, 53 hộ dân sống tại ấp 3 và ấp 4 (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh BRVT) vô cùng phấn khởi khi đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Châu Pha do Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam tài trợ kinh phí xây dựng được kéo đến từng nhà, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của bà con.
Gia đình ông Đỗ Văn Tài, một trong các hộ dân của ấp 3 (xã Tóc Tiên) được sử dụng nước sạch từ dự án nêu trên, cho biết, gia đình ông bắt đầu sinh sống tại BRVT từ năm 2005, 14 năm qua, gia đình ông chủ yếu sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù nước giếng bị đóng phèn, thường xuyên nổi váng màu vàng và có mùi hôi nhưng do không còn cách nào khác, gia đình ông vẫn phải sử dụng.
Những lúc nước giếng khoan ô nhiễm nặng, ông Tài phải ra chợ để xin nước sạch về dùng. Tuy nhiên, lượng nước xin được chỉ đủ để nấu nướng và uống hàng ngày, việc tắm giặt vẫn phải sử dụng nước giếng. Từ khi đường ống nước sạch được kéo về tận nhà, cuộc sống sinh hoạt của gia đình ông Tài được cải thiện rất nhiều, gia đình không còn lo lắng bệnh tật vì phải dùng nước ô nhiễm.
Tương tự, gần 20 năm qua, gia đình bà Lê Thị Lành (ấp 4, xã Tóc Tiên) phải lấy nước từ hồ phía sau nhà để phục vụ ăn uống, tắm giặt. Gần đây, do nước trong hồ bị vẩn đục nên bà Lành chỉ sử dụng để giặt giũ, vệ sinh. Mỗi tuần, bà phải bỏ ra 30 – 40 nghìn để mua nước đóng bình về nấu ăn, nay đã có tuyến ống cấp nước sạch, gia đình bà Lành đã có nguồn bảo đảm để sử dụng.
Cùng với huyện Tân Thành, huyện Xuyên Mộc là một trong những địa phương tại BRVT có tỷ lệ người dân tiếp cận nguồn nước sạch thấp. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, tình hình đầu tư và sử dụng nước máy trên địa bàn huyện không đồng đều, chỉ tập trung đầu tư ở thị trấn và các xã gần trung tâm huyện.Mặc dù hiện nay, huyện Xuyên Mộc có 3 nhà máy cấp nước gồm: Sông Ray, Sông Hỏa và Hòa Hiệp, với khả năng khai thác tối đa 29.000m3/ngày đêm. Nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn huyện Xuyên Mộc khoảng 7.000m3/ngày đêm. Như vậy, nguồn nước hiện nay đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trên địa bàn.
Nguồn nước sạch cung cấp cho người dân ngày càng được nâng cấp
Nâng cấp nguồn sạch cho người dân
Theo đó, Trung tâm NS&VSMTNT đã đề nghị UBND tỉnh BRVT bố trí vốn khởi công dự án “Nâng cấp, mở rộng đường ống cấp nước huyện Xuyên Mộc” trong năm 2018. Khi dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn huyện tiếp cận nguồn nước sạch sẽ tăng lên.
Cụ thể, với dự án mở rộng 21.1270m đường ống (đường kính từ 63 – 16mm), sẽ có thêm 6.187 hộ dân được tiếp cận với nguồn nước, nâng tổng số hộ dân được tiếp cận nước sạch lên 20.025 hộ, đạt tỷ lệ hơn 80% hộ dân được tiếp cận nguồn nước sạch.
Tại cuộc họp với các sở, ngành và Trung tâm NV&VSMTNT về tình hình cấp nước sạch vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2017 và dự kiến giai đoạn 2018 – 2020 tổ chức tại huyện Xuyên Mộc, ông Lê Tuấn Quốc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh BRVT đã đồng ý chủ trương thực hiện dự án “Nâng cấp, mở rộng đường ống cấp nước huyện Xuyên Mộc”, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí vốn trong năm 2018 để khởi công dự án, trong đó ưu tiên thực hiện ở những xã còn thiếu nguồn nước sạch nhằm sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của Trung tâm NV&VSMTNT, đến nay tỷ lệ người dân nông thôn trên toàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%. Trung tâm đã phát triển thêm 5.266 hộ dùng nước máy tiêu chuẩn quốc gia, đạt 105% kế hoạch và cung cấp hơn 9 triệu m3 nước sạch đến người dân vùng nông thôn.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Hà – Phó Giám đốc Trung tâm NV&VSMTNT tỉnh BRVT cho biết, địa hình nhiều vùng nông thôn của tỉnh không bằng phẳng, dẫn đến chênh lệch về áp lực trong cấp nước nên vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số khu vực có địa hình cao.
Hiện nay, nguồn nước mặt cung cấp phục vụ sinh hoạt khu vực nông thôn chủ yếu lấy từ các hồ thủy lợi. Nguồn nước các hồ này ngoài cung cấp nước sinh hoạt, còn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, vào mùa khô, mực nước các hồ hạ thấp rất nhanh, nước bị đục, ảnh hưởng đến chất lượng. Thêm vào đó, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước luôn tiềm ẩn do tác động tổng hợp của hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi tại các vùng nông thôn.
Theo đó, đối với các địa phương có số lượng hộ dân chăn nuôi lớn, sẽ tiến hành rà soát hiện trạng và thực hiện quy hoạch phù hợp với thực tế, di dời các cơ sở chăn nuôi không đúng quy hoạch, tách các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, bảo đảm việc chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hồ cấp nước của tỉnh. Đối với địa phương có nhiều hộ gia công, sơ chế, chế biến hải sản, sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những hộ, cơ sở kinh doanh không đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Khánh Linh