Bắc Giang: Khai thác các mỏ cát đồi ở Sơn Động còn nhiều vướng mắc

Hoàng Linh|25/12/2023 16:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào khai thác các mỏ khoáng sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.

Huyện Sơn Động có nhiều mỏ cát đồi tập trung ở Tuấn Đạo, An Bá, An Lạc, Yên Định... với trữ lượng lớn. Theo người dân địa phương, những mỏ cát tự nhiên có từ lâu đời, được phát hiện trong quá trình san gạt núi đồi mở đường giao thông. Dọc trục đường nối xã Tuấn Đạo với thị trấn Tây Yên Tử dễ dàng nhận thấy những dải cát trắng ven đường. Cát này có thể dùng thay cho cát sông để xây dựng công trình.

Những năm gần đây, huyện Sơn Động tập trung thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật nên cần khối lượng cát rất lớn phục vụ xây dựng. Tuy vậy, qua thời gian khai thác, nguồn cát sông đến nay cạn kiệt khiến chủ đầu tư, đơn vị thi công phải mua từ nơi khác vận chuyển về. Do Sơn Động thuộc địa bàn vùng cao, chi phí vận chuyển lớn dẫn đến vật liệu đội giá, làm tăng chi phí xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các công trình tại địa phương.

mo-cat.jpg
Khu vực có mỏ cát đồi tại thôn Tuấn An, xã Tuấn Đạo (Sơn Động)

Tháng 6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2023. Theo đó, Sơn Động là địa phương duy nhất trong tỉnh có 10 mỏ cát đồi trúng đấu giá với tổng diện tích khoảng 114 ha. Cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân kỳ vọng nếu được khai thác nguồn tài nguyên quý giá này sẽ mang lại nhiều giá trị, vừa khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng công trình vừa tăng thu ngân sách.

Tại xã Tuấn Đạo đã xác định 5 vị trí có mỏ cát, nhiều nhất huyện, ở các thôn: Tuấn An, Linh Phú, Nghẽo, Đồng Tâm, An Hà. Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã, các mỏ cát hình thành từ rất lâu trong lịch sử, tuy nhiên chưa được khai thác. Nếu không sử dụng sẽ thật lãng phí trong khi người dân vẫn phải mua cát từ nơi xa về để xây dựng công trình.

Trước khi tổ chức đấu giá khai thác khoáng sản, đại diện chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã đến các thôn có mỏ cát tổ chức hội nghị thông tin, lấy ý kiến người dân. Đây là một trong những thủ tục quan trọng theo quy định về khai thác khoáng sản. Đa số bà con đều đồng thuận với chủ trương, đồng thời đề xuất với cấp huyện, tỉnh sớm đưa vào quản lý, khai thác, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển.

Theo quy định, sau khi có quyết định trúng đấu giá, doanh nghiệp phải thực hiện các bước thăm dò trữ lượng, làm hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đưa vào quy hoạch và thực hiện trách nhiệm đóng các khoản thuế phí vào ngân sách nhà nước để được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, việc khai thác các mỏ cát phát sinh nhiều vướng mắc.

Ngay khi nắm bắt những vướng mắc phát sinh, UBND huyện đã thành lập tổ công tác, giao Phòng Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối phối hợp với doanh nghiệp tiến hành rà soát lại toàn bộ hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng rừng tại các điểm mỏ quy hoạch trúng đấu giá trên địa bàn huyện.

Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Qua rà soát cho thấy, trong các mỏ cát đồi trúng đấu giá có một phần đất rừng tự nhiên, công trình hạ tầng kỹ thuật, đất ở dân cư nằm đan xen, rất khó thực hiện thăm dò khai thác. Từ phản ánh của doanh nghiệp, huyện có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép bổ sung, điều chỉnh 23,3 ha, tránh các điểm có dân cư, đất rừng tự nhiên, rừng sản xuất nói trên".

Được biết, do được tỉnh cấp phép thăm dò khoáng sản, không gặp nhiều vướng mắc trên hiện trạng mỏ cát nên tính đến giữa tháng 12/2023 mới có một doanh nghiệp là Công ty TNHH MT&Mil hoàn thành công tác thăm dò khoáng sản trên diện tích 5 ha tại mỏ cát thôn Tuấn An, xã Tuấn Đạo được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trữ lượng.

Khu vực thăm dò xác định có trữ lượng hơn 888 nghìn m3 khoáng sản gồm: Cát, sỏi, cuội. Trữ lượng được khai thác là 748 m3, gồm: Cát xây dựng là 630 nghìn m3; sỏi: 37 nghìn m3, cuội: 20,7 nghìn m3, còn lại là đất làm vật liệu san lấp. Doanh nghiệp này đang hoàn thiện một số thủ tục tiếp theo để có thể khai thác từ đầu năm 2024. Đối với các mỏ cát còn lại, UBND huyện Sơn Động đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho việc khai thác các mỏ cát phục vụ phát triển KT- XH trên địa bàn, cung cấp nguồn vật liệu thiết yếu cho hoạt động xây dựng các công trình trong tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bắc Giang: Khai thác các mỏ cát đồi ở Sơn Động còn nhiều vướng mắc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.