Bắc Kạn: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt từ các trại nuôi lợn

Lam Trinh|14/09/2022 17:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phân tích mẫu nước thải qua xử lý của một số trại lợn ở các xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông); xã Thanh Thịnh (huyện Chợ Mới) và trại lợn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Huế tại thành phố Bắc Kạn cho thấy các chỉ số so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi QCVN 62-MT:2016/BTNMT, đều vượt ngưỡng cho phép từ 1 đến 6,6 lần. Nhất là thành phần Coliform, tồn tại trong phân lợn sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

trai-lon.jpg
Trại lợn của Công ty TNHH Nam Huế đặt trên đỉnh núi, gần khu dân cư trung tâm thành phố.

Nhằm thu hút đầu tư vào nông lâm nghiệp nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều biện pháp khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo hướng mô hình trang trại lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô từ vài nghìn tới hàng chục nghìn con/trang trại.

Đó là các trang trại lợn thịt siêu nạc tại xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) và trại lợn giống, lợn thịt siêu nạc tại xã Thanh Thịnh (Chợ Mới) đều của Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn; trang trại lợn thương phẩm và lợn nái ngoại thuần của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Huế tại thành phố Bắc Kạn.

Mặc dù các trang trại này đều có hồ sơ, công trình bảo vệ môi trường theo quy định tuy nhiên thời gian gần đây, hoạt động của các trại lợn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường.

Điển hình như trại lợn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Huế đặt trên đỉnh núi, gần khu dân cư trung tâm của thành phố Bắc Kạn. Việc đặt một trang trại chăn nuôi số lượng lớn tại đây được cho là không hợp lý bởi không chỉ gần khu vực đông dân cư mà quanh đó còn có nhiều nhà hàng ăn uống và Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn. Người dân sinh sống quanh khu vực này đã nhiều lần phản ánh về tình trạng mùi khó chịu bốc ra từ trại, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Hay như trang trại lợn thịt siêu nạc tại xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) của Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn đặt sát sông Cầu, đã có lần bị lực lượng chức năng xử phạt vì có hành vi xả trộm nước thải sau chăn nuôi xuống thẳng sông Cầu.

Đầu tháng 9/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Công ty cổ phần Kỹ thuật và phân tích môi trường lấy mẫu nước thải sau xử lý trước khi xả ra môi trường để phân tích, kiểm soát ô nhiễm tại các trại lợn. Kết quả cho thấy hầu hết các chỉ số đều vượt quy chuẩn cho phép.

Cụ thể, kết quả so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi QCVN 62-MT:2016/BTNMT thì trại lợn tại xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) có chỉ số BOD5 vượt 1,03 lần; TSS vượt 1,1 lần; Sunfua vượt 1,93 lần; Amoni vượt 7,68 lần và Coliform vượt 5,2 lần.

Trại lợn tại xã Thanh Thịnh (Chợ Mới) có chỉ số BOD5 vượt 1,026 lần; Sunfua vượt 1,72 lần; Amoni vượt 14,35 lần; Coliform vượt 5,4 lần.

Trại lợn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Huế có chỉ số BOD5 vượt 1,25 lần; Sunfua vượt 5,7 lần; Amoni vượt 10,88 lần và Coliform vượt 6,6 lần.

Các chỉ số này cho thấy nước thải sau chăn nuôi ở các trang trại lợn này khi xả ra môi trường đều có ô nhiễm, nguy cơ cao gây hại tới môi trường. Đặc biệt, đối với Coliform tồn tại từ phân lợn sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Phòng Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn) đã báo cáo cấp trên và tham mưu cho Sở chỉ đạo, phối hợp các chủ trang trại để làm rõ nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục. Trường hợp có vi phạm thì kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Kạn: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt từ các trại nuôi lợn