Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao thông minh vào năm 2045

Hoàng Anh|18/02/2022 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sau 25 năm tái lập, tỉnh Bắc Ninh có nhiều chỉ tiêu đứng tốp đầu cả nước, trong đó 5 chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học, phổ cập giáo dục, chuẩn y tế, diện tích nhà ở bình quân đầu người đứng thứ nhất cả nước.

Tổ chức kỷ niệm phù hợp với điều kiện dịch bệnh

Sáng 18/2, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức họp báo giới thiệu về các hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh và những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian qua.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức “gọn nhẹ” với hơn 300 đại biểu.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, nhiều chỉ tiêu của Bắc Ninh đứng thứ nhất cả nước. 

Trong dịp này, Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm như: “Thành tựu kinh tế – xã hội sau 25 năm tái lập”; “Bắc Ninh – 190 năm thành lập và phát triển”; Triển lãm Mỹ thuật, ảnh nghệ thuật và kiến trúc với chủ đề “Bắc Ninh tỏa sáng” và xuất bản sách ảnh: “Bắc Ninh, 25 năm đổi mới và phát triển” và “Vẻ đẹp miền Quan họ”. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng khởi công một số công trình trọng điểm chào mừng: Công trình mở rộng Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh quy mô 300 giường, khu công nghiệp Thuận Thành I và công trình xây dựng 2.000 căn hộ – Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Yên Phong…

“Đặc biệt, lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào sáng ngày 26/2/2022 với chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Bắc Ninh – Rạng rỡ miền văn hiến” sẽ tái hiện về Bắc Ninh – Kinh Bắc, một vùng đất cổ, văn hiến; với bề dày lịch sử văn hoá, truyền thống hiếu học, khoa bảng… và phong trào cách mạng”- ông Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh.

Bắc Ninh sẽ là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh

Tại cuộc họp báo, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Ninh đã thông tin về một số kết quả nổi bật sau 25 năm tái lập tỉnh. Từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, hiện Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Trong đó, 10/15 chỉ tiêu quốc gia đánh giá xếp hạng tốp 10 và 5/15 chỉ tiêu đứng thứ nhất (gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trạm y tế kiên cố hóa; diện tích nhà ở bình quân trên đầu người).

Một góc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. (Nguồn: bacninh.gov.vn)

Quy mô nền kinh tế Bắc Ninh đứng thứ 8 toàn quốc; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 -2021 đạt 13,9%/năm; GRDP (theo giá so sánh) năm 2021 đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước, tăng 6,9% so với năm 2020, đứng thứ 13 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước.

Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Hiện, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung, 1.780 dự án với tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh 21,1 tỷ USD (gấp 151 lần năm 1997) đứng thứ 7 cả nước, với nhiều tập đoàn kinh tế lớn có hoạt động trên địa bàn tỉnh như: Samsung, Canon, Pepsico, Amkor, ABB…

Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, đứng thứ nhất cả nước. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đứng đầu cả nước (năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đạt 1,128 triệu tỉ đồng).

Thu ngân sách nhà nước đạt cao; chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, hiệu quả; tổ chức tín dụng được mở rộng và hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội: Tổng thu ngân sách giai đoạn 1997-2021 tăng bình quân 23,7%/năm; năm 2021 đạt 33.260 tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997, vượt 19,5% dự toán; Bắc Ninh là tỉnh tự cân đối thu – chi ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc.

Tuy vậy, tỉnh Bắc Ninh xác định động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới sẽ có nhiều khó khăn về: Dư địa về đất đai, nguồn nhân lực, cạnh tranh lợi thế… Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn khó khăn (nhất là vốn, lao động), đặc biệt là khu vực kinh tế trong nước.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập như: Thu hút đầu tư, đất đai, ô nhiễm môi trường, đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chất lượng giáo dục đại trà chưa tương xứng; thiếu lao động chất lượng cao.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Ninh cho biết, trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, cơ hội mới; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính; tăng cường quản lý phát triển xã hội, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Định hướng đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại – dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh sẽ là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Hoàng Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao thông minh vào năm 2045
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.