Nhắc đến Tết lại nhớ đến câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Chỉ với những món đồ mộc mạc mang đậm chất dân gian nhưng cũng đủ làm cho lòng người trở nên rộn rã. “Bánh chưng xanh” là một trong những biểu tượng không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về.
>>> Lạnh giá kỉ lục, Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp
>>> Mỹ: Dự báo tuyết rơi dày 30-60cm, có nơi nhiệt độ thấp dưới -50 độ F
Bánh chưng là một món ăn của người Việt đã trải qua một bề dày lịch sử
Nguồn gốc bánh chưng ngày Tết
Bánh chưng là một món ăn của người Việt đã trải qua một bề dày lịch sử. Được kết cấu bởi những nguyên liệu đơn giản phổ biến trong dân gian, bánh chưng đã đi vào tâm hồn, tình cảm của người dân Việt. Chẳng vậy mà, Tết Việt người ta gắn liền với hương vị của bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ.
Từ xa xưa, trong chuyện cổ tích Việt Nam đã ghi nhận bánh chưng có từ thời Hùng Vương. Thời ấy, vua Hùng muốn thử tài, thử lòng các con của mình, nên bảo các con làm một cái gì đó trân quý tiến dâng lên vua cha. Các hoàng tử thì đông, mọi người cùng đua tài làm đủ mọi thứ dâng lên, tuy thế vua cha vẫn chưa ưng ý món gì. Trong các người con của vua Hùng, có một hoàng tử tên là Lang Liêu, hiền lành, chất phác, chỉ biết cùng vợ con làm ruộng, trồng lúa nên chẳng biết làm món gì cao sang mà chỉ làm hai loại bánh từ những vật phẩm mình làm ra: Một loại bánh vuông, một loại bánh tròn. Vua cha thấy lạ, bèn bóc ra ăn cả hai đều ngon, vua khen tấm tắc và hỏi bánh gì, tại sao lại làm ra bánh ấy, và làm thế nào…Lang Liêu thưa rằng: Chiếc bánh vuông gọi là bánh Chưng, chiếc bánh tròn gọi là bánh Dày. Cả hai đều được làm từ gạo nếp thơm. Bánh Chưng vuông tượng trưng cho Đất; Bánh Dày tròn tượng trưng cho Trời. Cả hai đều phải làm rất cầu kỳ và cẩn thận. Bánh này là biểu tượng của Trời – Đất; Cha – Mẹ. Bánh chưng tượng trưng cho mẹ, bánh dày tượng trưng cho cha. Âm dương trời đất giao hòa nên dân khang vật thịnh. Vua cha thích, truyền lệnh cho khắp dân gian, từ nay trở đi hễ đến ngày tết, ngày hội thì gói bánh Chưng và giã bánh dày ăn tết. Tuy thế, việc làm bánh Dày ngày tết cũng có nơi làm, nơi không nhưng bánh Chưng nhà nào cũng gói. Tục gói bánh Chưng có nguồn gốc như thế và được lưu truyền mãi trong nhân gian cho tới tận ngày nay.
Cuối năm Tết đến là khoảng thời gian mà lòng người vội vã hơn bao giờ hết. Ai ai cũng nhanh chóng sắp xếp công việc, xếp lại ngăn nắp những bộn bề lo toan của cuộc sống để kịp về đi phiên chợ Tết ngày cuối năm.
Sau ngày tiễn ông Táo lên trời, lòng ta lúc nào cũng rạo rực một niềm vui khó tả. Tiếng lòng bỗng chốc trở nên rộn rã theo bước chân của các bà, các mẹ đi chợ Tết. Ai cũng muốn bước đi thật nhanh, ra chợ mua cho kỳ được cành đào thắm, dăm thứ quả đặt lên bàn thờ, bó lá dong to bản để gói bánh, đôi ba cân hành về làm dưa… Tết năm nào cũng là như vậy, cũng những món đồ mang phong vị cổ truyền của dân tộc, nhưng khác là ở cảm giác.
Các cụ ngày xưa thường quan niệm rằng chỉ cần có nồi bánh chưng và dăm ba cân thịt lợn là có Tết. Bánh chưng không biết từ khi nào đi vào lòng người dân Việt Nam như một biểu tượng văn hóa. Không chỉ dừng lại là một biểu tượng của ẩm thực, bánh chưng đã dần ăn sâu vào lối sống và phong tục văn hóa của người dân Việt Nam.
Bánh chưng đúng tiêu chuẩn ngày Tết
Bánh chưng trong ruột có thịt lợn nhưng còn phải có đỗ xanh, hạt tiêu. Đỗ xanh cũng phải chọn và bảo quản trong hũ sành nút lá chuối, và để nơi khô ráo, đề phòng chuột nó ăn. Đỗ xanh chọn những hạt mẩy đều, không quăn lép. Khi dùng đem xay vỡ đôi, ngâm nước, tách vỏ, đãi sạch rồi cho lên rá róc nước, lấy ra làm nhân.
Bánh chưng – Hương vị không thể thiếu ngày Tết
Lá gói ngoài bánh chưng là loại lá dong, lá này ở miền núi mới sẵn. Người dân quê ở đồng bằng phải ra chợ tết mua về. Nhân ngày đi chợ ấy cũng mua vài cây dang để chẻ lạt gói bánh chưng. Cây dang là loại cây thuộc loài tre, nứa nhưng mọc ngùng ngoằng như dây, có từng đốt dài. Mỗi đốt chẻ ra được nhiều sợi lạt mỏng và dẻo, buộc gói bánh rất chắc và không mấy bị đứt.
Lá dong được rửa sạch, lau khô, dọc sống lá, cắt đầu để gói lá ngoài. Lá rách để trong lá lành để ngoài theo cách “lá lành đùm lá rách”. Sau nữa lấy bát con ao gạo nếp cho vào lượt dưới. Tiếp trên ao đỗ xanh một lượt, rồi cho miếng thịt lợn khổ to có cả nạc, cả mỡ vào giữa; Thịt lợn đã ướp hạt tiêu, bên trên miếng thịt lại cho đỗ, cho gạo phủ lên rồi gập lá gói vuông, gói xong lấy lạt buộc chặt, mỗi cặp hai chiếc rồi cho vào nồi cho vào nồi lớn đổ nước lã đem luộc. Mỗi khi gói bánh, trẻ em chạy ra chạy vào ngó nghiêng đòi mẹ, bà gói cho chúng một chiếc bánh con con, của riêng chúng, chớ có ai tranh mất là chúng khóc và bắt đền.
Luộc bánh chưng bằng bếp lớn, nồi lớn. Củi ninh bánh chưng cũng phải chọn loại củi tốt thường là củi gộc khô, khi đốt ít khói, cháy đượm, nổ lách tách mà than hồng, sức nóng tốt, nhiệt độ nhiều. Có thế nồi bánh chưng mới đun sôi đều, bánh luộc xong mới dền trong ngoài như nhau, không có chỗ sống, chỗ chín.
Bánh chưng luộc thời gian từ 10 đến 12 giờ đồng hồ mới xong, nên phải có người trực bếp, tiếp củi, tiếp nước. Nước tiếp thì lấy cái thau đồng đổ nước lạnh vào đặt lên trên chiếc mâm nắp nồi. Nước trong nồi sôi thì nước trong thau cũng nóng. Lấy nước này tiếp thì nước trong nồi sôi đều vì không bị lạnh nước cứ như thế cho tới khi bánh chín. Bánh chín vớt ra, xếp gọn lại rồi đặt ván nén bánh cho ráo nước và chặt bánh hơn. Với người dân Việt, ngày Tết quan trọng nhất là nồi bánh chưng. Cảm giác quây quần gói bánh, cùng nhau bên bếp lửa hồng, cùng nhau cảm nhận Tết càng cận kề. Tình thân càng đượm nồng như ngọn lửa ngày xuân.
Tùy theo khí hậu, phong tục của từng miền, từng vùng; tùy theo khẩu vị có thể thêm thắt, gia giảm thành phần của bánh. Như có thể thay nhân đậu xanh bằng nhân đậu đen, đậu đỏ nhân chuối. Nếu bạn không thích ăn mỡ bạn có thể dùng thịt nạc để gói bánh. Nhưng chính phần mỡ của thịt ở trong bánh sẽ làm bánh mềm mại thơm ngon hơn.
Khi ăn, bánh được bóc vỏ ra để lộ một lớp da xanh mượt mà; khi cắn vào miệng, miếng bánh mềm dẻo, quyện lẫn mùi thơm bùi bùi của đậu xanh, cộng với vị béo, thơm ngon của miếng thịt mềm mại từ da cho đến nạc đã được ninh nhừ. Bánh được ăn kèm với dưa hành, củ kiệu… Các vị ngon ngọt, mềm mại của bánh được bổ sung thêm vị chua ngọt của dưa kiệu, dưa hành.
Một chiếc bánh chưng đẹp và ngon, đạt yêu cầu phải vuông vắn, các góc căng đều. Bánh dễ bóc, róc lá, nhân không bị lẫn vào gạo mà tập trung ở giữa. Bánh có vị thơm, hạt gạo nhuyễn và dẻo; nhân đậm đà, có chút vị cay nhẹ của hạt tiêu; miếng bánh thơm ngậy, ăn vừa miệng, không quá mặn mà cũng không được nhạt quá.
Bánh chưng là món ẩm thực ngon, bổ dưỡng, mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống. Rồi cứ thế, bao nhiêu cái Tết qua đi, thế nhưng cứ nghĩ đến mùi thơm của bánh, vị xanh của lá là lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc rưng rưng khó tả.
Thùy Dương