Từ ngày 7/7, Bộ Công an đã điều lực lượng từ TPHCM lên Lâm Đồng, cải trang thành những người đi câu cá, công nhân thủy điện để xâm nhập điểm nóng phá rừng này.
Rạng sáng ngày 8/7, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B), tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động (K20)… thuộc Bộ Công an đã mật phục, bắt quả tang hàng chục đối tượng đang vận chuyển số lượng lớn gỗ lậu dưới lòng hồ, thu giữ 1 ô tô tải vận chuyển gỗ, hơn 17 m3 gỗ…
Đồng thời, qua kiểm tra nhiều khu vực tại tiểu khu 390 và vùng phụ cận (lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc quản lý), hàng trăm khối gỗ các nhóm đã bị đốn hạ, cưa xẻ. Đáng lưu ý, lâm tặc hoành hành ở vùng rừng này suốt 2 năm qua nhưng không bị xử lý cho đến khi Bộ Công an ra quân triệt phá.
Tổ công tác của Bộ Công an cũng phát hiện gỗ lậu được trùm phá rừng Hà “đen” tiêu thụ ở nhiều huyện thành thuộc tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận như Đắk Nông, Bình Phước. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện một số cơ sở tại Lâm Đồng, Bình Phước có dấu hiệu tiêu thu gỗ lậu của Hà “đen”. Vụ việc đang được xác minh làm rõ.
Cơ quan chức năng cho biết, ngày 11/7, Cục Cảnh sát Môi trường, Văn phòng điều tra Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng của huyện Bảo Lâm và tỉnh Lâm Đồng đã họp bàn để đưa ra hướng xử lý về vụ phá rừng nghiêm trọng này. Các bên đã thống nhất khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can. Đối với các đối tượng bỏ trốn, trong đó có đối tượng cầm đầu Hà “đen”, sẽ phát lệnh truy nã. Mặt khác, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị đã để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng này để có biện pháp xử lý.
Theo Tiền phong