(Moitruong.net.vn)– Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, đã có 83 loài hải sản không còn bắt gặp ở vùng biển Việt Nam so với giai đoạn trước đó. Đây là một con số báo động khi ngư dân vẫn khai thác theo kiểu tận diệt.
Có 83 loài hải sản không còn bắt gặp ở vùng biển Việt Nam so với giai đoạn trước đó
Theo đó, nhóm hải sản tầng đáy giảm tới 42% trữ lượng, tổn thất sau thu hoạch hải sản ở mức 15 – 25%. Trong khi đó, chỉ riêng trong tháng 3, lực lượng thanh tra của Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 41 lượt tàu cá ở cửa biển Nhật Lệ, phát hiện 7 tàu vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lực lượng chức năng đã ra quyết xử vi phạm hành chính, với tổng số tiền 34,5 triệu đồng, tịch thu 15 dụng cụ kích điện.
Tại Nghệ An, trong lúc tuần tra kiểm soát tại khu vực cách đảo Ngư 1 hải lý về phía Đông nam, lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò – Bến Thủy (BĐBP Nghệ An) đã phát hiện, bắt giữ 3 phương tiện sử dụng lưới kéo và lưới kéo kết hợp xung điện đánh bắt hải sản trái phép.
Qua nhiều vụ việc có thể thấy, vì lợi ích trước mắt, bà con ngư dân đa phần sử dụng các phương pháp khai thác có tính hủy diệt như: dùng xung điện, đánh bắt bằng các ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, khai thác sai vùng, khai thác vào các vùng sinh trưởng của cá con…
Tháng 3 năm ngoái, khi cho ý kiến về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã nêu ra thực trạng: ở các nước khác, mùa cá sinh sản họ đều cấm đánh bắt, họ cũng quy định rõ loại cá nào thì được đánh, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng ở ta không cấm rõ ràng, mùa cá sinh sản ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt hết nên mới dẫn đến câu chuyện tận diệt.
Việc ngày càng nhiều loại hải sản biến mất khỏi vùng biển Việt Nam chính là hệ quả của phương pháp đánh bắt theo kiểu tận diệt, khai thác quá mức cho phép. Đây chính là hành động tự hại mình của ngư dân bởi nguồn thủy sản dần cạn kiệt. Nếu tình trạng này kéo dài và không có biện pháp xử lý, nguồn thủy sản sẽ bị tận diệt, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái.
Nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định về việc cấp hạn ngạch để đánh bắt thủy sản, tránh lối đánh bắt vô tội vạ. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đề ra các chính sách ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ trong chuỗi các hoạt động thủy sản. Mục đích của các chính sách này là nhằm phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững.
Đồng thời cần nghiên cứu, xem xét lại chính sách về hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản xa bờ, nên thực hiện xã hội hóa hoạt động này để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Linh Lan (T/h)