Báo động những “dòng sông chết” tồn tại nhiều năm

10/04/2018 03:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, mức độ ô nhiễm của các kênh thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Dù trong giai đoạn trữ nước tưới dưỡng nhưng nước kênh Cẩm Đông-Phí Xá đen kịt

Theo ghi nhận thực tế, dòng nước đen kịt trên kênh Phủ – Sặt (Bình Giang) là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây từ nhiều năm qua. Ông Phạm Văn Ấm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong, xã Tân Hồng (Bình Giang) cho biết toàn bộ diện tích đất nông nghiệp do HTX quản lý lấy nước trực tiếp từ tuyến kênh này nên khi nguồn nước ô nhiễm, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ, lúa gieo thẳng bị chết do nước tráng mầm không bảo đảm. Một số hộ đã bỏ ruộng vì gieo cấy không hiệu quả.

Hơn 30 năm mưu sinh trên dòng kênh Đò Cậy – Tiên Kiều (Cẩm Giàng), chưa khi nào ông Nguyễn Văn Toản ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) cảm thấy khó khăn như hiện nay. Theo ông Toản, trước kia chỉ cần nửa buổi đã đánh bắt được nhiều cá còn hiện tại thì phải trông chờ vào may rủi. “Mấy năm nay, cá mương không còn nhiều như trước, cá rô phi cũng hiếm hơn mà chủ yếu bắt được cá dọn bể. Rác thải, nước thải của người dân, nhà máy đổ thẳng ra kênh. Dòng kênh cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, giúp điều hòa không khí giờ trở thành điểm phát sinh bệnh dịch, nhất là vào mùa nắng nóng”, ông Toản than thở.

Kênh dẫn nhánh phục vụ tưới cho 200 ha đất nông nghiệp của HTX Dịch vụ Tân Phong ô nhiễm nghiêm trọng

Theo kết quả phân tích nước mặt của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì 17 tuyến kênh thủy lợi chính trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm nặng. Nhiều tuyến đang ở mức đáng báo động, khó có thể khắc phục như Thạch Khôi – Đoàn Thượng (qua địa bàn huyện Gia Lộc, TP Hải Dương); Cẩm Đông – Phí Xá, Đò Cậy – Tiên Kiều (cùng huyện Cẩm Giàng); Đông La – Bình Cách (qua các huyện Thanh Miện, Bình Giang)…

Người dân đổ rác thải ra kênh Đò Cậy – Tiên Kiều

Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết những dòng kênh đang bị bức tử là mặt trái của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Theo ông Chinh, phát triển kinh tế là cần thiết nhưng nếu không kiểm soát được nước thải, rác thải của các nhà máy xả ra môi trường thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Các tuyến kênh bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng tới phát triển nông nghiệp mà còn đe dọa tới sức khỏe người dân. Để cứu những “dòng kênh chết” cần có sự chung tay của cả cộng đồng chứ không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân hay đơn vị nào.

Theo báo Hải Dương


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Báo động những “dòng sông chết” tồn tại nhiều năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.