Bất cập trong thu gom và xử lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường

An Dương|17/02/2017 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

Mỗi ngày, có hàng trăm tấn chất thải nguy hại (CTNH) và chất thải rắn (CTR) trong y tế thải ra môi trường. Tuy nhiên, số được xử lý đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho môi trường chiếm rất ít. Đây vẫn là bài toán nan giải đối với các nhà quản lý.

rác thải

Chất thải nguy hại, chất thải rắn ngày càng tăng

Gia tăng chất thải và bất cập trong xử lý

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2016, thống kê từ các địa phương cho thấy tổng lượng CTNH phát sinh trên toàn quốc hiện nay khoảng 800.000 tấn/năm . Ước tính trong CTR công nghiệp, lượng CTNH chiếm tỷ lệ khoảng 20 – 30%. Tỷ lệ này thay đổi tùy loại hình công nghiệp, trong đó ngành cơ khí, điện, điện tử, hóa chất là những ngành có tỷ lệ CTNH cao.

Ngoài ra, một nguồn phát sinh CTNH là từ các vụ vi phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa CTNH, chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ôtô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng (màn hình máy tính, bản mạch điện tử thải…) về Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, các địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động này là tuyến biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai), Tây Nam (Tây Ninh, Kiên Giang) và các cửa khẩu đường biển (tại Hải Phòng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, hiện nay với sự phát triển và tăng nhanh về số lượng giường bệnh điều trị, khối lượng phát sinh CTR từ các hoạt động y tế có chiều hướng ngày càng gia tăng. CTR y tế trong bệnh viện bao gồm hai loại là CTR sinh hoạt và CTNH y tế. CTR sinh hoạt chiếm khoảng 75 – 80% CTR trong bệnh viện.

CTNH y tế chứa các tác nhân vi sinh, chất phóng xạ, hóa chất, các kim loại nặng và các chất độc gây đột biến tế bào là dạng chất thải có thể sẽ gây những tác động tiềm tàng tới môi trường và tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những người phải tiếp xúc trực tiếp.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chất thải ngày càng gia tăng, tuy nhiên việc phân loại CTR tại nguồn chưa có chế tài áp dụng và không đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý. Hiện còn khoảng 132 bãi chôn lấp đã được rà soát, thống kê là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cần phải xử lý ô nhiễm triệt để đến năm 2020 theo Quyết định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để của các bãi chôn lấp còn chậm do thiếu nguồn lực thực hiện.

Bên cạnh đó, hiện phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận CTR sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Các bãi này chủ yếu là các bãi rác tạm lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác… Đây chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh.

Đối với xử lý CTR y tế, so với giai đoạn trước, hoạt động này đã được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên việc đầu tư vẫn chưa được đồng bộ ở các tỉnh, thành phố. Đặc biệt là hoạt động thu hồi và tái chế CTR y tế nhiều nơi thực hiện không đúng theo quy chế quản lý CTR y tế đã ban hành.

rác thải y tế

Một số nơi chất thải y tế không được xử lý triệt để

Theo số liệu báo cáo của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) về tình hình quản lý đối với CTR y tế, đã có hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom hàng ngày và có thực hiện phân loại chất thải từ nguồn. Tuy vậy, đối với các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương do các Sở Y tế quản lý, công tác thu gom, lưu giữ và vận chuyển CTR chưa được chú trọng, đặc biệt là công tác phân loại và lưu giữ chất thải tại nguồn. Số liệu thống kê từ địa phương trong năm 2013 cho thấy có 32/57 địa phương có số liệu xử lý CTR y tế đạt từ 80% trở lên. Nhìn chung, tỷ lệ thu gom CTR y tế trong giai đoạn 2011 – 2015 tăng không cao.

Bên cạnh đó, trong khoảng hơn 300 tấn chất thải y tế mỗi ngày trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 1/3 CTR được đốt bằng lò đốt hiện đại và có thể đảm bảo an toàn ra ngoài môi trường. Hiện còn lại tới 33% bệnh viện tuyến huyện và tỉnh không có hệ thống lò đốt chuyên dụng, phải xử lý chất thải y tế nguy hại bằng các lò đốt thủ công hoặc chôn trong khuôn viên bệnh viện. Có trường hợp còn thải trực tiếp ra bãi rác chung, nơi có đông dân cư sinh sống và không ít được tuồn bán ra ngoài để tái chế. Đây thực sự là những mối nguy hiểm đe dọa tới môi trường và cuộc sống người dân.

Tăng cường quản lý

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, với tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá và gia tăng dân số như hiện nay thì lượng CTR phát sinh sẽ ngày càng tăng cả về khối lượng lẫn thành phần. Do vậy, công tác quản lý CTR sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Nguy hiểm hơn,  vấn đề CTR phát sinh từ các từ các cơ sở y tế nếu không có giải pháp kịp thời, khoa học sẽ trở thành mối đe dọa đến cuộc sống người dân. Nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây nhiễm nguồn bệnh từ các thành phần của CTR y tế nguy hại chứa các vi sinh vật, chất phóng xạ, hóa chất, kim loại nặng và các chất độc gây đột biến tế bào, ảnh hưởng lâu dài đến hệ sinh thái và sức khoẻ cộng đồng.

Hiện nay, các nguồn gây ô nhiễm chính tại các đô thị, khu công nghiệp là ô nhiễm do nước thải, ô nhiễm nước mặt, ô nhiễm không khí, ô nhiễm do chất thải rắn. Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố rất lớn, trung bình mỗi ngày phát sinh gần 7.500 tấn. Lượng rác thải phát sinh chủ yếu được thu gom và đưa về chôn lấp chiếm 76%, còn lại là rác tái chế hoặc xử lý bằng biện pháp đốt điện.

Bởi vậy, việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn và nguy hại ở các doanh nghiệp, các khu công nghiệp từ chủ nguồn thải đến người thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý cần được theo dõi chặt chẽ, để chất thải công nghiệp được đưa đi xử lý triệt để nhằm bảo vệ môi trường.

Đồng thời, các hoạt động này cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ để giải quyết bài toán rác thải, nước thải. Cần quy hoạch hệ thống hạ tầng kĩ thuật đồng bộ và phù hợp với quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, xây dựng chiến lược ngành, phát triển khung pháp lí; tiến hành đánh giá và điều chỉnh mức phí nước thải cho phù hợp.

Theo Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), để giải quyết tốt vấn đề xử lý chất thải, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sớm ban hành các quy định cụ thể liên quan tới quản lý đối với chất thải y tế thông thường theo cách phù hợp để vừa đạt được mục đích quản lý, đồng thời không hạn chế về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường năng lực cho các đơn vị xử lý chất thải nguy hại nói chung và chất thải y tế nói riêng.

An Dương


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bất cập trong thu gom và xử lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.