Bến Tre ban bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn

Mai Anh (t/h)|15/01/2020 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tại tỉnh Bến Tre đang diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu.

Ngày 14/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBND về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.

Hiện tại, xâm nhập mặn trên các sông chính đang ở mức tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Dự báo độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng 1-2020; độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 53-68 km, độ mặn 1‰ hầu như bao trùm toàn tỉnh Bến Tre.

Theo dự báo của tỉnh Bến Tre, nếu hạn mặn kéo dài, nguy cơ thiếu nước xảy ra trên diện rộng, thậm chí không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, người dân phải lấy nước trực tiếp từ sông rạch bị nhiễm mặn để dùng trong sinh hoạt. Ước có khoảng 56.800 hộ dân (205.000 người) sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, bãi ngang, ven biển, trên các cù lao, các cồn ở sông Hàm Luông, sông Tiền, sông Cổ Chiên… nguy cơ không có nước sinh.

Mặn đã xâm nhập sâu các sông chính tỉnh Bến Tre. Ảnh: K.Q

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp địa phương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị ngày 3-1-2020 về triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019-2020.

Các địa phương tổ chức vận hành ngay phương án ứng phó xâm nhập mặn theo Kịch bản hai (rủi ro thiên tai cấp độ hai), kiên quyết không để người dân bị thiếu nước uống do bị nhiễm mặn.

Bên cạnh đó, tổ chức huy động mọi nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó xâm nhập mặn theo thẩm quyền. Trong đó, đặc biệt lưu ý huy động các loại phương tiện như: xe bồn, sà lan, ghe, các phương tiện chuyên dùng khác để vận chuyển nước phục vụ các bệnh viện, khu công nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn… Đồng thời, triển khai ngay các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất như: nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi.

Đặt biệt, tập trung triển khai giải pháp cấp bách để tạo nguồn nước ngọt cung cấp cho các nhà máy của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi hoạt động của công ty và cấp nước bổ sung cho các địa phương khi cần thiết.

UBND tỉnh Bến Tre cũng giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị theo phương châm bốn tại chỗ để ứng phó xâm nhập mặn tại địa phương theo quy định.

Hiện tại, ĐBSCL đã có 8/13 tỉnh, thành bị nước mặn xâm nhập, ranh mặn 4‰ tiếp tục ăn sâu vào đất liền từ 40-67km (cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm).

Mai Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bến Tre ban bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn