(Moitruong.net.vn)– Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhân gần 200 ca mắc thủy đậu, đáng lưu ý, các trường hợp mắc bệnh không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn và thai phụ mắc bệnh. Hầu hết, những người nhập viên điều trị đều chưa tiêm vắc xin phong bệnh.
Số ca mắc bệnh thủy đậu tại Khánh Hòa gia tăng bất thường
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 170 ca mắc thủy đậu. Riêng 20 ngày đầu tháng 3, số người mắc là 73 người, tăng gần gấp đôi so với tháng 1, 2. Trong đó, có đến 20% ca nặng phải điều trị nội trú. Điều này khá bất thường vì thời điểm này chưa bước vào mùa nắng nóng, vốn là mùa của dịch bệnh.
Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, các dấu hiệu của bệnh thủy đậu ở bé Nguyễn Phượng Linh (4 tuổi, phường Phước Tân, TP. Nha Trang) đã giảm rõ rệt. Chị Lê Hoa Ngân – mẹ của bé Linh cho biết, tuần trước thấy con sốt nhẹ, trên người xuất hiện các mụn nước nhỏ, tưởng cháu bị ghẻ nên gia đình tự mua thuốc điều trị cho cháu. Nhưng qua 3 ngày, thấy bệnh của bé trở nặng, gia đình đưa cháu đến bệnh viện. Cháu được xác định bị mắc thủy đậu có biến chứng nhiễm trùng da nặng.
Trường hợp của sản phụ Lý Thị Hoa (huyện Diên Khánh) bị nổi mụn ghẻ trên người, do tưởng bị rôm sảy nên chị Hoa không quan tâm. Tuy nhiên, sau vài ngày, thấy các mụn ghẻ nổi ngày càng nhiều, chị mới đến bệnh viện để khám. Rất may, nhờ đến bệnh viện kịp thời, được điều trị tích cực nên sức khỏe của chị và thai nhi đã ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Đông – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 5 phụ nữ có thai mắc bệnh thủy đậu. Đây là vấn đề đáng lo bởi phụ nữ mang thai mắc thủy đậu rất dễ xảy ra biến chứng cho thai nhi nếu như không được điều trị kịp thời. Hầu hết người mắc nhập viện điều trị đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh”.
Trước tình hình trên, các sĩ Huỳnh Văn Dõng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, trung tâm đã có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phải tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh tại địa phương. Nếu có ca bệnh, thực hiện cách ly nhằm tránh lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó, ngành Y tế đang phối hợp với các địa phương, ngành có liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh trong nhân dân. Bên cạnh thủy đậu, các bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng, quai bị trên địa bàn tỉnh cũng đang có dấu hiệu gia tăng, không theo quy luật, khả năng dịch chồng dịch có thể xảy ra trong thời gian tới. Để phòng bệnh, người dân nên chủ động tiêm ngừa vắc xin.
Trà Vy (T/h)