Bí ẩn những vụ nổ thủy lôi ở vịnh Bắc Bộ thời chiến tranh

Nguyễn Xuân Thủy/KTGĐ|03/12/2018 06:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mãi đến bây giờ, các nhà khoa học mới hiểu được sức mạnh của một cơn bão mặt trời xảy đến trong năm 1972 lớn tới mức nào. Cơn bão này được cho là nguyên nhân kích nổ đồng loạt nhiều quả thủy lôi tại Việt Nam thời điểm đó.

>>>Bắc Kạn: Liên tiếp xuất hiện các hố sụt lớn

>>>Sớm có giải pháp bảo vệ, chuyển đổi hợp lý vườn tiêu Tây Nguyên

Qủa lôi thủy thời đó

Vào ngày 4/8/1972, gần cảng Hải Phòng, hàng chục quả thủy lôi nằm dưới đáy nước phát nổ chỉ trong nháy mắt. Trước đó, quân đội Mỹ, với mục tiêu phong tỏa đường vận tải biển của Bắc Việt, đã thả hàng ngàn quả thủy lôi ngoài khơi Hải Phòng. Tàu bè qua lại sẽ tạo ra chấn động, kích nổ thủy lôi. Nhưng trong vụ nổ đồng loạt nhiều thủy lôi lần này, không có con tàu nào tại hiện trường.
Và hiện tượng này lặp lại nhiều lần vào những tuần đầu tiên của tháng 8. Theo một ước tính, đã có khoảng 4.000 quả thủy lôi phát nổ đầy bí ẩn dọc bờ biển Việt Nam, cứ như thể có những con tàu ma lướt qua các vùng biển này, kích nổ hàng loạt.

Hàng chục năm sau, các nhà khoa học Mỹ đã tiến đến một kết luận rằng, đã có một lực vô hình kích nổ thủy lôi và nguồn năng lượng này đến từ một nơi cách xa trái đất gần 150 triệu km. Đầu tháng 8/1972, mặt trời ở thời điểm nào đó phát ra hàng loạt lóa mặt trời. Đây là những luồng sáng bất thình lình với cường độ cao, thường thấy ở bề mặt mặt trời. Các luồng lóa mặt trời thường đi kèm với hiện tượng gió mặt trời. Ở thời điểm cao trào của chu kỳ mặt trời, năng lượng từ trường tập trung sẽ phun trào từ mặt trời, bao phủ trái đất. Sức mạnh của nó lớn tới mức có thể làm vô hiệu hóa các máy đo từ trường. Cực quang xuất hiện ở Mỹ và châu Âu, kéo xuống tới tận Tây Ban Nha ở Nam Âu.

Trong khi đó, các loại thủy lôi Mỹ thả xuống ngoài khơi các cảng biển Bắc Việt Nam thời kỳ đó đều có các thiết bị kích nổ bằng từ trường. Các cảm biến của thủy lôi đo biên độ, cường độ của từ trường, chờ đợi một con tàu vỏ thép đi ngang qua, gây xáo động môi trường từ tính và kích nổ quả thủy lôi. Nhưng khi các lóa mặt trời tác động đến trái đất, gây xung đối với môi trường từ tính, các quả thủy lôi cũng bị kích nổ.

Xưa nay, các nhà khoa học luôn hiểu rằng bão mặt trời là một sự kiện rất đáng quan tâm. Một cách để xác định đặc điểm và tính chất của lóa mặt trời là đo cường độ các hạt mang năng lượng mặt trời được phát ra. Việc xuất hiện các lóa mặt trời ở thời điểm nào đó trong năm cũng là bình thường.

Nhưng các vụ nổ thủy lôi có vẻ đã báo hiệu một hiện tượng khá bất thường. Mới đây, trên tạp chí khoa học Space Weather, một bài báo đã mô tả chi tiết về các vụ nổ này, vốn đã bị quên lãng từ lâu. Bài báo đưa ra nhiều số liệu, chi tiết được ghi nhận tại thời điểm tháng 8/1972, cho thấy cơn bão mặt trời dữ dội hơn rất nhiều so với ghi nhận trước đây.

Delores Knipp, giáo sư kỹ thuật không gian tại Đại học Colorado, tác giả chính của bài báo, nay tin rằng cơn bão mặt trời năm 1972 thuộc hàng kỷ lục, có thể sánh ngang với Carrington, cơn bão mặt trời mạnh nhất từng được ghi nhận, năm 1859.

“Tôi vô cùng bất ngờ”, bà nói. Bà từng biết rằng sự kiện năm 1972 là một cơn bão bức xạ lớn và các đám mây mang từ trường tỏa ra từ mặt trời tồn tại trong thời gian dài kỷ lục là gần 15 giờ. Nhưng người ta đã không có đủ thiết bị và hiểu biết, ở thời điểm đó, để thu thập đủ các chỉ số. Đây có lẽ là lý do người ta đánh giá chưa đủ về cường độ và sức mạnh của cơn bão mặt trời năm 1972, và đã không hề biết nó mạnh đến cỡ nào.

Chắp nối những thông tin rời rạc

Sự tò mò của giáo sư Knipp xuất hiện trong một lần trao đổi với Brian Fraser, đồng tác giả bài báo, người ở thời điểm những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước đang làm việc cho Trung tâm Dự báo Thời tiết không gian Vũ trụ (Mỹ). Ông nhớ rằng lúc đó người của hải quân Mỹ đến nói chuyện với sếp của ông. Tất cả những gì ông biết là cuộc trao đổi đó liên quan đến bão mặt trời, mối quan tâm của quân đội và có lẽ là một vụ nổ nào đó.Một ngày chủ nhật, Knipp bắt đầu công việc tìm kiếm trên mạng về bất cứ thông tin gì liên quan đến các vụ nổ hải quân ở giai đoạn 1972. Bà nhanh chóng tìm thấy một số tài liệu do hải quân Mỹ và một phụ nữ nào đó ghi lại về những quả thủy lôi và cách sử dụng dụng trong chiến tranh. Những thông tin rời rạc của Fraser bắt đầu trở nên có nghĩa.

Mở rộng tìm kiếm thông tin, Knipp và các đồng nghiệp phát hiện những bản báo cáo bị quên lãng từ lâu về Mỹ, châu Âu và châu Á. Cùng với tin tức của các tạp chí kỹ thuật về tác động của cơn bão mặt trời năm 1972 đối với lưới điện, người ta còn mô tả một sự kiện bất thường. Lúc đó nước Mỹ đang ở thời điểm đêm, khi các lóa mặt trời tác động đến trái đất. Nhật Bản đang là ban ngày và họ đã ghi lại được các thông tin, chỉ số về tia mặt trời. Người ta đã dùng các số liệu này để dựng lại diễn biến của hiện tượng bất thường, nhưng các nhà khoa học bên ngoài Nhật Bản tỏ ra không quan tâm lắm. Các lóa mặt trời được phân hạng bằng cường độ tia X mà chúng phát ra và theo đo đạc của Nhật Bản, cơn bão mặt trời năm 1972 đã phát ra những lóa mặt trời cực lớn.

“Hai đêm sau, tôi nhận được một email từ một chỉ hủy hải quân (nay đã nghỉ hưu), nói rằng ông là sỹ quan trực điện đài ở thời điểm ấy và lúc đó con tàu của ông đang ở vịnh Bắc Bộ”, giáo sư Knipp nói. “Lúc đó ông ta đến ca trực và “mọi thứ bỗng dưng trục trặc cả loạt”. Họ đã phải mất 12-18 tiếng tìm cách thiết lập lại liên lạc vô tuyến với các tàu khác và tổng hành dinh. Đó chính xác là những sự kiện tôi nghĩ sẽ phải xảy ra nếu căn cứ với những gì người Nhật đã ghi nhận được”.

Nhằm cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trước nguy cơ phá sản, ngày 6/4/1972, Nixon ra lệnh tiến hành trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngày 9/5/1972, Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng, sau đó lần lượt phong tỏa các cảng Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Hội, sông Gianh, các cửa sông thuộc Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và cả Cửa Việt vừa giải phóng.

Trước khi ký Hiệp định Paris, Mỹ vẫn thả thủy lôi ở Hải Phòng (29/12/1972), Cẩm Phả, Hòn Gai (30/12/1972), cảng Sông Gianh (6/1/1973), Cửa Hội (13/1/1973). Lực lượng sử dụng gồm từ 3 đến 4 tàu sân bay (cao nhất là 5 tàu), mỗi tàu chở từ 70-80 máy bay các loại, 2-4 tàu tuần dương, 24-35 tàu khu trục, 3-4 tàu ngầm, 20 tàu yểm trợ hậu cần, 6-11 tàu đổ bộ. Thủy lôi thường được thả ban đêm, kết hợp với đánh phá ác liệt để nghi binh hoặc tiêu diệt, ngăn cản các lực lượng rà phá của ta. (Nguồn: Lao Động 14/5/2016).

Nguyễn Xuân Thủy/KTGĐ 

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí ẩn những vụ nổ thủy lôi ở vịnh Bắc Bộ thời chiến tranh