Bí kíp cân bằng chế độ dinh dưỡng ngày Tết đảm bảo sức khoẻ

Vân Khánh|30/01/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tết đến Xuân sang là dịp để mỗi người dân Việt Nam quây quần bên gia đình với những bữa cơm ấm cúng. Ngày Tết với vô vàn đồ ăn ngon như bánh chưng, thịt gà, giò chả, nem rán và bánh kẹo ngọt, các loại mứt đường, đồ uống có gas… khiến không ít người ăn uống thiếu kiểm soát. Điều đó gây ra nhiều mối nguy hại ảnh hưởng đến sức khoẻ của chúng ta.

Ngày Tết là khoảng thời gian trong năm mọi người được tạm dừng công việc, giảm tần suất lao động và có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình. Thế nhưng việc cung cấp dinh dưỡng ngày Tết lại thường thiếu cân đối do khẩu phần ăn một ngày dư thừa năng lượng, dư thừa protein hoặc thiếu rau xanh. Sau đây là những bí kíp cân bằng chế độ dinh dưỡng giúp đảm bảo sức khỏe cho bạn và những người thân yêu vào những ngày đầu năm mới:

Chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm

Nguồn thực phẩm đa dạng kèm theo các nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày Tết. Bạn cần chọn mua thực phẩm ở nơi uy tín, có hoá đơn xuất xứ rõ ràng. Nhiều người có thói quen tích trữ rất nhiều thực phẩm để không cần đi chợ nhiều ngày sau Tết dù hiện nay các khu chợ hoặc siêu thị mở lại rất sớm. Điều này dẫn đến lãng phí thực phẩm khi không ăn hết hoặc thực phẩm để lâu có nguy cơ nhiễm khuẩn, ôi thiu.

Dù thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh với nhiệt độ thấp nhưng chúng vẫn có thể bị hỏng vì vi khuẩn vẫn hoạt động. Đối với những thực phẩm được cấp đông như thịt, cá cần được chia nhỏ với số lượng vừa đủ cho mỗi lần sử dụng, tuyệt đối không rã đông rồi lại cấp đông trở lại vì không còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy nên bạn cần lưu ý với những loại thực phẩm tươi như thịt, cá, rau củ nên mua với số lượng vừa và đủ, không nên tích trữ quá nhiều.

Bữa ăn cân bằng dinh dưỡng

Nên đảm bảo nguyên tắc cân bằng dinh dưỡng ngày Tết trong một bữa ăn đầy đủ các nhóm chất sau: Tinh bột, đạm, béo, chất xơ, vitamin và muối khoáng. Cần ăn đủ 3 bữa chính trong ngày. Nếu gia đình bạn có người mắc các bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp,…. thì cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng dành riêng cho bệnh lý này.

Bữa ăn cân bằng dinh dưỡng đảm bảo sức khoẻ ngày Tết.

Các món ăn ngày Tết có năng lượng cao khiến bạn dư thừa năng lượng, gây tăng cân, khó tiêu hoá nếu ăn quá nhiều. Ví dụ như một miếng bánh chưng nhỏ (50g) có thể tương đương lưng bát cơm. Vậy nên bạn không nên cố gắng ăn quá no mà chỉ nên ăn lượng vừa đủ với sức ăn của mình.

Không thể thiếu rau củ

Rất nhiều người chưa có thói quen ăn rau xanh và các loại củ trong bữa ăn của mình. Đặc biệt vào dịp Tết, rau xanh thường xuất hiện ít trong các bữa ăn. Bạn cần ăn nhiều rau xanh trong ngày để đảm bảo cung cấp đủ chất xơ tốt cho đường tiêu hoá, cung cấp vitamin và chất khoáng cho cơ thể.

Trung bình mỗi ngày một người trưởng thành cần ăn tối thiểu 400g rau xanh, củ quả. Bạn có thể chế biến rau thành các món salad, nộm, gỏi để tăng phần hương vị cho rau và kích thích sự ngon miệng khi ăn. Hãy nhớ không thể thiếu rau củ trong bữa ăn ngày Tết.

Không lạm dụng rượu bia

Trong mâm cơm ngày Tết rất nhiều gia đình không thể thiếu bia, rượu. Cùng nhau nâng ly để chúc mừng năm mới, chúc nhau sức khỏe và thành công. Vậy nhưng uống quá nhiều, lạm dụng rượu bia có thể  dẫn đến các tác hại khôn lường đối với sức khỏe. Nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, gút, viêm tụy…. tăng cao khi sử dụng rượu bia quá nhiều. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bình thường không nên uống rượu bia quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ. Vậy nên đầu Xuân năm mới hãy nhớ không lạm dụng rượu bia bạn nhé.

Vân Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí kíp cân bằng chế độ dinh dưỡng ngày Tết đảm bảo sức khoẻ