Biến đổi khí hậu có thể ‘xóa sổ’ nhiều bãi biển trên thế giới

Hồng Giang|29/01/2021 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà nghiên cứu cảnh báo, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang trên đà xóa sổ một nửa số bãi biển của thế giới trước năm 2100.

Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu hỗn hợp (JRC) thuộc Ủy ban châu Âu cho biết, trong 30 năm tới, 36.000 km (tương đương 13,6%) bờ biển trên thế giới sẽ không còn nữa do tình trạng xói mòn ngày càng trầm trọng.

Dự tính, trường hợp xấu hơn còn diễn ra trong nửa sau của thế kỷ với hơn 95.000 km (khoảng 25,7%) bờ biển trên Trái Đất bị quét sạch.

Biến đổi khí hậu có thể khiến thế giới mất một nửa các bãi biển

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) – một cơ quan quốc tế của Liên hợp quốc về đối phó với biến đổi khí hậu, nếu tình trạng khí thải CO2 không được cải thiện thì mực nước biển sẽ tăng tới 80 cm và toàn bộ 131.745 km bờ biển trên ngôi nhà chung của loài người sẽ bị ngập nước.

Những bãi biển lớn ở khu vực Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ thu hẹp khoảng 100-200 m – tương đương hơn 60% lượng cát bị nhấn chìm, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nước có nền kinh tế phụ thuộc phần nhiều vào du lịch biển.

Ông Michalis Vousdoukas, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho hay: “Giảm thiểu phát thải khí nhà kính có thể ngăn chặn sự biến mất của 17% bờ biển vào năm 2050 và 40% vào năm 2100, giúp bảo vệ trung bình 42 m cát giữa đất liền và biển.”

Các nhà khoa học cũng dự báo, mực nước biển tăng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các công trình xây dựng của con người như nhà ở, đường phố và các đập nước. Đây chính là những tác nhân thay đổi vòng tuần hoàn bổ sung tự nhiên của bãi biển.

Tình trạng các cơn bão tăng cao cùng biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân gây xói mòn bờ biển.

Các quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ tình trạng nước biển xâm thực và các bãi biển biến mất là Úc, Canada, Chile, Mỹ. Trong đó, Úc chịu ảnh hưởng nặng nhất với gần 15 ngàn km bờ biển có thể bị chìm dưới nước biển trong vòng 80 năm tới. Các quốc gia khác bao gồm Mexico, Trung Quốc, Nga, Argentina, Ấn Độ và Brazil.

Cơ quan môi trường Anh chọn cách nạo vét ngoài khơi để làm đầy các bãi biển, việc làm này không những làm ảnh hưởng tới môi trường sống ở biển mà chi phí cũng rất tốn kém. Từ năm 1994 đến nay, Anh dành hàng triệu bảng Anh mỗi năm chỉ để bổ sung 20 km bờ biển giữa hai thị trấn ven biển Skegness và Mablethorpe ở hạt Lincolnshire nhằm bảo vệ 35,000 ha đất nông nghiệp địa phương.

Tiến sĩ Sally Brown đến từ Đại học Bournemouth (Anh) nhận định: “Việc bồi đắp như vậy giúp duy trị vị trí bờ biển, nhưng theo thời gian có thể khiến giảm chiều rộng hoặc độ sâu của biển. Cách thức này có thể giải quyết tạm thời vấn đề nhưng không thể tiếp diễn lâu dài được. Chúng ta cần đề ra cách thức quản lý bờ biển lâu dài, bền vững trong những năm tới.”

Hồng Giang

Bài liên quan
  • Năm 2020 là một trong những năm nóng nhất lịch sử
    Moitruong.net.vn – Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 – 10 năm nay cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn năm 1850-1900. Theo đó, năm 2020 sẽ là năm nóng thứ hai sau năm 2016 và nóng hơn cả năm 2019, tính từ năm 1850.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu có thể ‘xóa sổ’ nhiều bãi biển trên thế giới