Biến đổi khí hậu khiến chim cánh cụt hoàng đế đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

Tô Anh|27/08/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự đoán cho thấy 98% số chim cánh cụt hoàng đế có nguy cơ biến mất vào năm 2100 khi tốc độ gia tăng khí thải carbon ngày càng cao và biến đổi khí hậu hiện nay làm băng trên biển tan nhanh hơn.

Trong mùa hè vừa qua, có tới 4 trong số 5 quần thể chim cánh cụt ở biển Bellingshausen sinh sản thất bại. Nguyên nhân là bởi biến đổi khí hậu dẫn tới mất băng biển ở Nam Cực, và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của chim cánh cụt.

30-1628050478-chim-canh-cut-hoang-de.jpg
Ảnh minh họa

Các nhà khoa học cho biết những con chim cánh cụt hoàng đế non đã chết hàng loạt tại nhiều nơi ở Nam Cực vào cuối năm ngoái. Chúng bị chết đuối hoặc chết cóng khi băng biển tan chảy do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mùa xuân ở nam bán cầu năm ngoái - từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 - chứng kiến băng biển thấp kỷ lục ở Nam Đại Dương, đặc biệt dọc theo bờ biển phía tây của vùng Nam Cực vốn là nơi sinh sản chính của loài chim cánh cụt lớn nhất thế giới.

Sự tan băng trên vùng nước biển gần đất liền đã gây tử vong cho hàng nghìn con non chưa đủ trưởng thành để đối phó với mặt nước biển lạnh giá.

Một chim cánh cụt hoàng đế non mới chui ra từ trứng được chim bố giữ ấm giữa hai chân trong suốt mùa đông, trong khi chim mẹ bắt đầu hành trình ra biển kiếm ăn kéo dài 2 tháng. Khi trở về nhà, chim mẹ cho chim non ăn bằng cách nôn cá trong bụng ra. Để tự sinh tồn, chim non phải phát triển bộ lông không thấm nước, một quá trình thường bắt đầu vào giữa tháng 12 và kéo dài vài tuần. Nhưng băng ở vùng biển Bellingshausen năm ngoái đã bắt đầu tan vào cuối tháng 11.

Đây là lần đầu tiên sự kiện tàn khốc liên quan chim cánh cụt hoàng đế được ghi nhận trên diện rộng, chúng không thể sinh sản do biến đổi khí hậu.

Nếu tình trạng mất băng biển do biến đổi khí hậu tiếp diễn, các nhà khoa học cảnh báo rằng, hơn 90% quần thể chim cánh cụt hoàng đế sẽ bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 21.

Biến đổi khí hậu đang làm mất băng biển ở mức độ đáng báo động. Các nhà khoa học dự đoán, băng biển có khả năng biến mất hoàn toàn ở Bắc Cực vào năm 2030.

Nam Cực cũng ghi nhận 4 vùng băng biển có phạm vi bị thu hẹp nhiều nhất kể từ năm 2016. Trong đó, một số khu vực như biển Bellingshausen, nằm ở phía tây bán đảo Nam Cực, chứng kiến phạm vi băng biển giảm xuống 0%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu khiến chim cánh cụt hoàng đế đứng trước nguy cơ tuyệt chủng