Biển Nam Trung bộ trong tình trạng cạn tài nguyên và ô nhiễm

Minh Phương (T/h)|22/06/2019 07:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nguồn tài nguyên biển khu vực Nam Trung bộ đang bị khai thác cạn kiệt mà không có kế hoạch phục hồi, tái tạo, vấn đề ô nhiễm cũng đe dọa đến du lịch biển.

Đó là những nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ” do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức chiều 20/6.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ ra thực tế, mặc dù vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đều là những tỉnh thành có biển với diện tích rất rộng, giàu tiềm năng nhưng đến nay vị thế và tiềm năng đó chưa được khai thác hiệu quả và bền vững.

Cụ thể, về khai thác ngư nghiệp, dù Việt Nam luôn đứng top 10 các nước xuất khẩu thuỷ hải sản nhưng ít nước đến ta học tập vì chúng ta đang chú ý đến tổng sản lượng, chưa chú ý đến chất lượng.

“Chúng ta mãi mở rộng diện tích đánh bắt, tăng số lượng lồng bè nuôi trồng, tăng tàu thuyền… dù có tăng trưởng nhưng nguồn lợi sẽ dễ dàng bị cạn kiệt. Khai thác của chúng ta vẫn đang thiếu bền vững do phương thức khai thác chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, công nghệ lạc hậu”, PGS Hồi nói.

Tháng 5.2010, Chính phủ đã quy hoạch 16 khu bảo tồn biển thế nhưng đến nay chỉ có 10 khu có ban quản lý chứ chưa nói đến đánh giá hoạt động.

“16 khu bảo tồn biển chỉ mới đạt mức 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam, trong khi chúng ta đặt mục tiêu 2030 chúng ta phải đạt 6% bảo tồn biển là rất khó. Nhưng có bảo tồn thì hệ sinh thái biển mới bền vững, đây là bài học từ các nước đang làm rất nhiều còn chúng ta chỉ có khai thác và khai thác”, PGS Hồi cho biết thêm.

Về du lịch biển, vấn đề môi trường đang là thách thức lớn với các tỉnh thành Nam Trung Bộ. Biển bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải, các hệ sinh thái biển đảo đang bị suy thoái.

Ngay như tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia đưa ra ví dụ về các cống xả trực tiếp ra biển, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch biển thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng cũng nhìn nhận rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển, từ việc gắn kết giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường; lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra các vùng chưa được phát huy đầy đủ; phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn. Khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Góp ý tại hội thảo, PGS Chu Hồi cho rằng, các nhiệm vụ khoa học – công nghệ ưu tiên của các địa phương ven biển là công nghệ sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, củng cố các trung tâm giống thủy sản và đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá; phát triển du lịch, các cơ sở hạ tầng cho du lịch, xây dựng mô hình du lịch bền vững trong các khu bảo tồn, mô hình du lịch vùng cát; đánh giá năng lực tải của các điểm đến du khách.

Bên cạnh đó, vấn đề thu gom, phân loại, xử lý rác thải biển; kiểm soát và bảo vệ môi trường biển, ven biển, đặc biệt là rác thải nhựa cũng cần được chú trọng. Việc phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) cần phải được làm ngay thì mới mong có cơ hội phát triển kinh tế biển bền vững.

Minh Phương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Biển Nam Trung bộ trong tình trạng cạn tài nguyên và ô nhiễm