Bình Dương: Công bố thành lập thành phố Tân Uyên

Hà My|12/04/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố Tân Uyên và 1 thị xã là thị xã Bến Cát cùng 4 huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên.

12-tan-uyen.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP. Tân Uyên.

Hôm nay ngày 12/4, tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết… có mặt chung vui tại buổi lễ. Nghị quyết thành lập thành phố Tân Uyên có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.

Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên với diện tích 191,76km2, dân số hơn 466.000 người, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã. Đây là địa phương nằm phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai và các địa phương phát triển của tỉnh như thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An và thị xã Bến Cát.

Từ một vùng đất nông nghiệp, Tân Uyên chuyển mình thành đô thị có dáng dấp hiện đại với kinh tế, xã hội phát triển. Thành phố này có nhiều khu công nghiệp quy mô rất lớn như các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) II mở rộng, khu Nam Tân Uyên…trong đó khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III quy mô 1.000ha cũng có một phần địa giới hành chính thuộc thành phố Tân Uyên. Khu công nghiệp này đã thu hút được những "đại bàng" lớn như nhà máy sản xuất đồ chơi hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego, nhà máy sản xuất đồ trang sức quy mô 163 triệu USD của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch)…

Đi đầu trong phát triển công nghiệp, đến nay Tân Uyên có 5 khu, cụm công nghiệp, trong đó có nhiều khu công nghiệp quy mô lớn như: Việt Nam – Singapore (VSIP) II mở rộng, Nam Tân Uyên… Các khu, cụm công nghiệp ở Tân Uyên đã thu hút được 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký là hơn 32.560 tỷ đồng và 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 5,2 tỷ USD.

Những năm qua, Tân Uyên tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị; hệ thống các công trình công cộng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại.

Không chỉ là tập trung phát triển kinh tế, Tân Uyên còn quan tâm đầu tư đúng mức cho các lĩnh vực văn hoá - xã hội với việc xây dựng hệ thống trung tâm y tế, trường học, khu vui chơi giải trí...

12-tp-tan-uyen.jpg
Nằm kề bên sông Đồng Nai, thành phố Tân Uyên có nhiều tiềm năng phát triển khu dân cư, đô thị sinh thái, du lịch.

Giai đoạn 2021 - 2025, Tân Uyên đặt mục tiêu sẽ trở thành một trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hoá - du lịch; đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thu hút người dân từ TP.HCM đến sinh sống và làm việc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong kháng chiến Tân Uyên là "địa chỉ đỏ" kiên cường nổi tiếng với khẩu hiệu "Miền Đông gian lao mà anh dũng". Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nhân dân Tân Uyên đã đoàn kết, chung sức, chung lòng đổi mới, sáng tạo đạt nhiều kết quả khả quan.

Để Tân Uyên ngày càng phát triển, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, địa phương phải bám sát và thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chăm lo sự nghiệp giáo dục gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Song song đó, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao....

Ông Đoàn Hồng Tươi, chủ tịch UBND thành phố Tân Uyên, cho biết Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân thành phố sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển Tân Uyên gắn với các quy hoạch, định hướng phát triển đô thị đã được phê duyệt.

Trong đó sẽ ưu tiên hoàn thành các công trình kết nối vùng đi qua địa bàn như các tuyến đường vành đai 3, 4 TP.HCM, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… để tạo ra không gian phát triển mới cho đô thị.

Mặt khác, với đặc thù có nhiều bà con nhập cư nên Tân Uyên cũng sẽ chú trọng hơn nữa các hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục… để trở thành nơi "đất lành chim đậu", mọi người cùng được hưởng thành quả của sự phát triển.

Với lợi thế giáp Đồng Nai, gần TP.HCM, thành phố Tân Uyên có sự giao thoa về kinh tế - xã hội với các địa bàn lân cận, là địa bàn nhiều công nhân, người lao động từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tới làm việc, sinh sống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Công bố thành lập thành phố Tân Uyên