Sự tích và ý nghĩa Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Tương truyền, Bà Thiên Hậu tên là Lâm Mị Châu, sinh ra vào khoảng năm 960 vào thời Tống Kiến Long nguyên niên, tại Phúc Kiến (Trung Quốc). Ngay khi mới sinh ra, Mị Châu đã tỏa ra hào quang và mùi hương kì lạ.
Năm 11 tuổi, Bà quyết định tu theo Phật giáo, nhanh chóng đắc đạo, trở thành một người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giúp đỡ rất nhiều người. Đến năm 28 tuổi, trong một lần cùng cha là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn Bà đã xuất thần để đi cứu cha và hai anh.
Bà dùng răng cắn chặt vào áo của cha, hai tay ôm lấy hai anh. Ngay lúc đó, mẹ gọi Bà lại, buộc Bà phải trả lời. Bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất, cuối cùng chỉ cứu được hai anh. Kể từ đó, mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn, người ta đều gọi vái đến Bà để xin cho bình an thoát khỏi sóng to gió lớn, trở về bờ an toàn. Năm Canh Dần (1110), Bà được nhà Tống sắc phong là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”.
Trải qua nhiều thế kỉ, sự tích về Bà Thiên Hậu đã xuất hiện nhiều dị bản với những tình tiết khác nhau. Nhưng tất cả đều hướng về hình tượng một người phụ nữ có tấm lòng cao đẹp, hiếu thảo, dám hi sinh thân mình để bảo vệ người khác.
Người dân Trung Quốc ca ngợi và thờ phụng Bà bởi vì bà là một vị thánh hiển, một tấm gương để noi theo về lòng hiếu thuận, nhân hậu, sống có đạo nghĩa. Để lập nghiệp, nhiều người Trung Quốc đã vượt sóng gió biển khơi về hướng Nam, trên đường đi họ đã cầu nguyện để Bà giúp đỡ, phù hộ. Sau khi họ đã định cư, ổn định đời sống trên đất Việt Nam, để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự phù trợ của Bà những người này đã cùng nhau xây dựng chùa Bà Thiên Hậu.
Ngôi chùa xây dựng theo lối kiến trúc cổ với các nét đặc trưng của Trung Hoa, nằm ở phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Hiện, chùa đang là một trong những di tích nổi bật của tỉnh Bình Dương, nổi tiếng với Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu nhiều hoạt động văn hóa vô cùng tưng bừng, náo nhiệt.
Mục đích của Lễ hội chùa Bà là để ghi nhớ công ơn đối với Bà và để nhắc nhở con cháu đời sau phải có tấm lòng cao đẹp, biết giúp đỡ cộng đồng. Lễ hội không chỉ là một trong những hoạt động văn hóa của người Hoa mà còn thu hút khách thập phương đến chùa để cầu bình an, mưa thuận gió hòa.
Thời gian và nghi thức tổ chức Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu có nhiều tiết mục hấp dẫn mang đậm tính văn hóa dân gian như sự xuất hiện của các nhân vật huyền thoại, xe hoa diễu hành, cồng, chiêng, trống, cờ... và không thể thiếu những đoàn lân sư rồng.
Lễ hội được tổ chức vào lúc nửa đêm ngày 14 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lúc này, đông đảo khách đến hành hương và tham gia lễ hội. Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức khấn một bài khai mạc, tiếp theo là văn tế bằng tiếng Quảng Đông nhằm ca tụng công đức của Bà.
Ngày 15 sẽ diễn ra phần đặc sắc nhất của lễ hội đó là lễ rước kiệu Bà đi xung quanh thành phố Thủ Dầu Một cùng với những đội múa lân, sư tử, rồng, cờ xí,...
Theo phong tục của người Trung Quốc, đoàn rước đầu sẽ là 4 con Hẩu, với tạo hình sư tử rồng vàng, còn kiệu Bà đi ở giữa. Theo sau là hàng chục thanh niên cầm cờ hiệu, thanh đao, tiếp theo là các đội múa lân, sau đó tới những đoàn xe gắn hoa rực rỡ, rồi hàng dài các cô gái thắt nơ gánh đầy các giỏ hoa vải nhiều màu sắc, theo sau là các đội kèn, sáo, trống náo nhiệt.
Những người dân có nhà xung quanh hồ hởi chuẩn bị lễ cúng và cầu mong Bà ban phước lộc vào đầu năm khi đoàn rước đi qua trước nhà. Sau khi làm đủ các nghi lễ thì người dân một lần nữa quay lại về chùa Bà để thắp hương cúng lễ, cầu phúc lộc cho năm mới.
Đêm ngày 22, sẽ tổ chức lễ tắm Bà. Bước sang ngày 23 - ngày chánh vía Bà, mọi người tổ chức lễ rước Bà thêm 1 lần nữa. Người dân sẽ rước tượng Bà qua các con đường quanh chùa trong không khí rộn ràng tươi vui của đoàn múa lân, múa rồng, đội nhạc dân tộc,...
Thông thường, sau khi cúng bái người đi lễ sẽ được nhận của nhà chùa 3 tấm giấy (khổ 12x25cm) có in dòng chữ Hán và đóng ấn triện son: “Thánh Mẫu toạ trấn, hợp gia bình an, bảo hộ an khang”. Người Hoa gọi đây là “rước vía Bà” đưa về nơi bàn thờ ở gia đình.
Cách di chuyển tới chùa Bà Thiên Hậu
Nếu xuất phát từ Sài Gòn đi Chùa Bà Thiên Hậu, bạn có thể lựa chọn 2 cách đi sau:
Cách 1: Dọc theo đường Trường Chinh - Xa lộ Hà Nội (Tân Hưng Thuận) tới Xa Lộ Đại Hàn, đến đường Lê Văn Khương – Hà Duy Phiên/TL9, sau đó đi theo đường CMT8 (Thủ Dầu Một) rẽ Nguyễn Du sẽ tới được chùa.
Cách 2: Đi dọc theo đường Trường Chinh - Xa lộ Hà Nội (Tân Hưng Thuận) tới Xa Lộ Đại Hàn, đường Tô Ngọc Vân (Thạnh Xuân), đường Hà Huy Giáp đi theo đường CMT8 (Thủ Dầu Một) và rẽ phải tại Yamaha Hoang Long, rẽ Nguyễn Du tới Chùa Bà Thiên Hậu.
Những điều cần lưu ý khi đến và tham gia Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Để có chuyến đi đầu xuân và trẩy Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu được trọn vẹn và có ý nghĩa hơn, bạn có thể bỏ túi cẩm nang du lịch những lưu ý dưới đây:
Chùa Bà Thiên Hậu là nơi linh thiêng và trang nghiêm nên bạn hãy ăn mặc thật lịch sự và kín đáo.
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu thu hút đông đảo người tham gia từ Bình Dương đến các tỉnh lân cận. Do đó, khi tham gia lễ hội Chùa Bà Bình Dương nên chú ý đồ đạc, hạn chế mang theo nhiều vật có giá trị bên mình, tránh tình trạng mất cắp.
Không gây mất trật tự, hái hoa, bẻ cành, bỏ rác bừa bãi trong khuôn viên chùa.
Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể tự chuẩn bị lễ vật thắp hương hoặc mua sẵn trước cổng chùa nhé. Ngoài ra, có thể mang theo đồ ăn và nước uống sẵn.
Nên sử dụng kem chống nắng, kem chống côn trùng.