Lễ hội là dịp để nhân dân tưởng nhớ, ghi ơn công lao to lớn của vua Mai Hắc Đế cùng tướng lĩnh của ông trong cuộc khởi nghĩa chống ách độ hộ phương Bắc năm xưa với nhiều hoạt động đặc sắc, sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa vùng quê xứ Nghệ bên dòng sông Lam.

Nghệ An là một vùng đất văn hóa địa linh nhân kiệt. Nơi đây không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ nên thơ mà con người cũng rất đỗi thân thiện và anh hùng. Để lưu trữ nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống, Nghệ An có nhiều lễ hội, mỗi lễ hội là một nét văn hóa đặc sắc riêng.

Đến Lễ hội đền Vua Mai tại thị trấn Nam Đàn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là lễ hội mang dấu ấn văn hóa xứ Nghệ, du khách không những được hòa mình trong không khí linh thiêng trang trọng của trình thức lễ của lễ hội cổ truyền dân gian là các lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai và lễ đại tế, lễ thả đèn hoa đăng, lễ tạ mà còn được tham gia nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống.

Giá trị lịch sử Đền Vua Mai

Theo sử sách Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh quán tại làng Ngọc Trừng - làng phía Tây huyện Sa Nam thuộc Châu Hoan (ngày nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Năm 713, Mai Thúc Loan là người trong đoàn phu đi cống vải cho Đường Huyền Tông. Dọc đường đi, dân phu vô cùng vất vả khổ cực, là người có sức khỏe nhanh nhẹn, còn giỏi võ lại tài năng, chí lớn, Mai Thúc Loan vận động dân phu nổi dậy giết bọn quan lính áp tải, rồi dùng trái “lệ chi” làm một lễ ăn thề. Mọi người đã cùng nhau tuyên thề: “Dốc chí phục thù, giết hết bọn giặc để cứu nước” và sau đó tôn Mai Thúc Loan làm chủ súy.

den-vua-mai.png
Đền thờ vua Mai Hắc Đế vừa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Mai Thúc Loan thành lập nghĩa quân, tập hợp quanh vùng có đến mấy trăm người để thêm sức mạnh. Chọn Sa Nam làm căn cứ địa đã cho thấy tầm nhìn của ông rất xứng với địa vị thủ lĩnh, bởi địa thế này vừa có thế chủ động và cũng có thế thủ. Trong đó Rú Đụn lớn hơn rú Vệ, hiểm trở cũng như kín đáo, hai bên có sông Lam bao bọc bảo vệ. Xây đắp chiến lũy thành Vạn An ở ngay Thị trấn Nam Đàn ngày nay, bên trong chứa voi trận, khí giới vũ khí, lương thực dự trữ để tính kế lâu dài. Binh hùng tướng mạnh, căn cứ địa vững chắc, nhân dân đồng lòng ủng hộ, chẳng mấy chốc Mai Thúc Loan đã tụ hợp được một vùng giang sơn rộng lớn. Sau đó đất nước được giải phóng và Mai Thúc Loan được ba quân tôn lên làm Vua. Ông kéo quân về Thành Vạn An lấy Thành Vạn An làm Quốc đô. Vua có làn da đen, nên nhân dân thân mật gọi ông là Mai Hắc Đế.

Sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, vùng đất Nam Đàn được ghi vào lịch sử dân tộc như là quê hương, nơi xuất phát của một cuộc khởi nghĩa vang dội chống quân quan nhà Đường từ năm 713 đến năm 722 do Mai Thúc Loan lãnh đạo.

Giá trị văn hóa

Khu Di tích Vua Mai tại Nam Đàn gồm có đền thờ và lăng mộ. Đền thờ hiện nay thuộc thị trấn Nam Đàn. Đền thờ được xây dựng từ chính nơi xưa kia từng đặt tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa, sau là Quốc đô, nơi Vua Mai Hắc Đế điều hành quốc sự. Còn lăng là một am miếu nhỏ xây ngay nơi được xem là nơi yên nghỉ của Ngài và con trai kế vị là Mai Thiếu Đế tại một thung lũng của núi Đụn Sơn thuộc xã Vân Diên. Lăng và đền đều nằm cạnh bờ sông Lam. Ngoài lăng và đền thờ Vua Mai Hắc Đế, trong phạm vi xung quanh lăng và đền miếu thờ các thân tướng của Ngài, bên cạnh có nhiều di tích của một thời trận mạc. Từ năm 1996 Bộ Văn hóa đã cấp bằng Di tích Lịch sử và Văn hóa Quốc gia cho Di tích đền và lăng mộ Vua Mai tại huyện Nam Đàn. Cách đền và lăng không xa, trên rú Dẻ - là một đồi cây thấp ở thôn Ngọc Trừng, xã Nam Thái nơi sinh quán của Vua Mai, nơi đây có mộ của bà Vương Thị là thân mẫu của Ngài.

Những năm qua, cụm quần thể Khu Di tích Vua Mai tại huyện Nam Đàn được các ngành các cấp trùng tu, tôn tạo cảnh quan khuôn viên sạch đẹp, khang trang bề thế, uy nghi thuận tiện về giao thông đi lại dễ dàng thuận lợi cho du khách các nơi hành hương về đây thăm viếng toàn bộ khu di tích. Khu Di tích Vua Mai vinh dự được tiếp đón các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm viếng tưởng nhớ công đức của Ngài.

Hướng dẫn phương tiện đi lại

Tỉnh Nghệ An với tổng diện tích lớn tự nhiên lên đến 16.490,25 km². theo đó khoảng cách từ Hà Nội đến Nghệ An sẽ phụ thuộc vào từng điểm thuộc địa phận tỉnh Nghệ An. Nam Đàn là một huyện nằm ở phía Đông của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh là 21km trên trục đường 46.

Đến Nghệ An, bạn có thể đi bằng xe khách, máy bay hoặc tàu hỏa. Tuy nhiên, du khách có thể di chuyển bằng các phương tiện sau:

+ Máy bay: Giá vé sẽ dao động tầm 580k – 1.300k và thời gian bay kéo dài tầm 20 phút cho đường bay Hà Nội – Vinh. Còn Sài Gòn – Vinh bay khoảng tầm 45 phút và giá vé dao động 1000k – 1300k.

+ Tàu hỏa: Từ Hà Nội đến Nghệ An có chuyến HN – NA1 và NA4 – HN, giá khoảng 500.000 đồng/ giường. Và nhiều chuyến đi trong ngày như SE1, SE2, SE3, xuất phát từ ga Hà Nội và đến Nghệ An vào buổi sáng.

+ Xe khách: Di chuyển từ Hà Nội hầu hết các xe đều tập trung tại bến xe Giáp Bát hoặc bến xe Nước Ngầm. Giá vé khá ổn định tầm khoảng  200k và đi mất 6 tiếng để đến Vinh.

Lễ hội đền vua Mai tổ chức vào thời gian nào trong năm?

Hàng năm tại di tích diễn ra 2 kỳ lễ trọng là lễ hội Vua Mai từ ngày 13 đến 16/1 (âm lịch) và lễ giỗ Vua Mai vào ngày 16/9 (âm lịch).

Trong những  những ngày đầu xuân năm mới, nhân dân đã tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai Hắc Đế. Lễ hội nhằm tôn kính vua Mai Hắc Đế và con là Mai Thúc Huy - người nối tiếp nối sự nghiệp của vua Mai Hắc Đế.

le-hoi-vua-mai.jpg
Màn múa rồng trong Lễ hội Vua Mai.

Lễ hội đền Vua Mai chứa đựng sắc màu văn hóa truyền thống. Buổi lễ hàng năm diễn ra như sau:

Ngày 13 tháng Giêng âm lịch tổ chức Lễ Khai Quang (làm cho sạch sẽ) tại 2 lăng mộ của vua Mai Hắc Đế và mẹ của ông và đền thờ.

Ngày 14 tháng Giêng âm lịch tổ chức Lễ Yết Tào (đón thần về trẩy hội) tại lăng vua Mai Hắc Đế, lăng mẹ và đền thờ.

Ngày 15 tháng Giêng âm lịch tổ chức Lễ Đại Tế (lễ nghĩa).

Vào buổi sáng: Các làng trong vùng sẽ rước kiệu về Đền Vua Mai làm lễ theo nghi thức cung đình.

Vào buổi chiều là  Lễ dâng hương tại lăng và lễ tri ân tại đền.

Bên cạnh phần lễ còn có nhiều hoạt động tập thể như diễu hành rước kiệu, đua thuyền, thi đấu cờ người, chọi gà, đấu vật tự do và hát bội Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động cắm trại, múa hát, chèo thuyền, thi người đẹp … cũng sẽ được tổ chức.

Với những giá trị lịch sử văn hóa, Theo Quyết định số 1649/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đền thờ Vua Mai Hắc Đế đã được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Nhân dịp kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, Lễ hội Đền Vua Mai 2023, lãnh đạo và nhân dân huyện Nam Đàn vinh dự đón nhận Bằng công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt đền thờ Vua Mai Hắc Đế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội đền vua Mai ở Nghệ An