Lễ hội đền Hùng: Lễ hội nổi tiếng ở miền Bắc

Hoàng Linh|17/02/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội lớn có tính quy mô cấp quốc gia nhằm tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước, hướng mỗi người Việt Nam biết trân quý nguồn cội.

Đôi nét về Đền Hùng

Đền Hùng tọa lạc trong địa phận thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi thờ cúng các vị vua Hùng, những người có công dựng nước và là tổ tiên của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 7km về phía Bắc và cách Hà Nội khoảng 90km là điểm đến lý tưởng cho mọi du khách xa gần.

le-hoi-den-hung.jpg
Đền Hùng

Lễ hội đền Hùng diễn ra khi nào?

Giỗ tổ Hùng Vương từ lâu đã trở thành truyền thống văn hoá lâu đời ở nước ta. Trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam nó mang tính thiêng liêng cao cả nhất. Vì thế mà lễ hội được tổ chức trang trọng hàng năm với nghi thức đại lễ quốc gia. Mỗi năm lễ hội đền Hùng thu hút hàng chực vạn người từ khắp các nơi trong nước và kiều bào sống ở nước ngoài.. Lễ hội đền Hùng kéo dài từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 Âm lịch hàng năm, trong đó mùng 10 là chính hội. Lễ hội diễn ra tại đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Thời điểm nào thích hợp để tham quan đền Hùng?

Đầu xuân (khoảng từ tháng 2 đến tháng 5) là thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch đến đền Hùng. Vì lúc này thời tiết tương đối mát mẻ, dễ chịu và có rất nhiều các lễ hội lớn đang diễn ra nhiều nhất trong năm. Do đó nếu đến Đền Hùng vào thời điểm này du khách thập phương sẽ được trải nghiệm không khí nhộn nhịp, tấp nập.

le-hoi-den-hung-1.jpg
Thời điểm thích hợp du lịch Đền Hùng và tham gia lễ hội đền Hùng là từ tháng 2 đến tháng 5

Những đặc sắc trong nghi thức của lễ hội đền Hùng

Mang đặc trưng của các lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội đền Hùng cũng gồm có 2 phần chính là phần lễ và phần hội.

Phần tế lễ trong lễ hội đền Hùng được cử hành rất trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng rất cẩn thận, thịnh soạn và độc đáo là “lễ tam sinh" (bao gồm 1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ. Đầu tiên, sau khi một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ. Tiếp đến là các cụ bô lão của làng xã sở tại của địa phương quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách thập phương hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vị vua Hùng.

Mỗi một đám rước kiệu có 3 cỗ kiệu sẽ đi nối tiếp nhau. Các kiệu đều được sơn son thiếp vàng, chạm trổ rất tinh xảo. Việc bày biện trang trí trên cỗ kiệu cũng rất khéo léo, cầu kỳ và đẹp mắt. Cỗ kiệu đi đầu bày hương hoa, đèn nhang, trầu cau, nước và bầu rượu thịnh soạn. Cỗ kiệu thứ 2 đặt hương án, bài vị của Thánh, có lọng và quạt cho với nhiều màu sắc mang vẻ tôn nghiêm. Cỗ kiệu thứ 3 rước bánh chưng và bánh dày, 1 cái thủ lợn luộc để nguyên, đi sau 3 cỗ kiệu này là các vị quan chức và bô lão trong làng ở địa phương. Các vị chức sắc thì mặc áo thụng theo kiểu các bá quan triều đình xưa kia, còn các cụ bô lão cũng mặc áo thụng đỏ, hoặc mặc quần trắng, áo the, đầu đội khăn xếp trang nhã, truyền thống.

Trong lễ hội đền Hùng, nhân ngày giỗ Tổ nên không thể thiếu phần tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan). Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo hàng đầu trong lễ hội đền Hùng. Từ xưa, trong dân gian truyền rằng hát Xoan xưa kia gọi là hát Xuân và điệu múa hát Xoan có từ thời Hùng Vương và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian của các làng xã quanh vùng ở đồng bằng Bắc bộ. Trong đó đặc biệt là điệu múa hát Xoan này được nhiều người ưa thích, đặc biệt là bà Lan Xuân, vợ của vua Lý Thần Tông. Bà đã cảm nhận được âm hưởng dân ca đặc biệt và độc đáo của điệu hát Xoan này, nên bà đã cho sưu tầm và cải biên thành điệu hát thờ tại một số đền, đình làng thờ các vua Hùng cho tới ngày nay.

Đầu tiên, ông trùm phường Xoan Kim Đức - một phường nổi tiếng cùng chủ tế đứng trước hương án hát chúc bằng bài khấn nguyện. Sau đó là một kép trẻ đeo trống nhỏ trước ngực ra làm trò giáo trống, giáo pháo để không khí thêm tươi vui. Tiếp theo, bốn cô đào ra hát thơ nhang và dâng hương bằng giọng hát lề lối truyền thống. Rồi đến những bài ca ngợi thánh thần kết thúc phần nghi lễ của điệu hát Xoan.

Ở đền Hạ có hát ca trù (dân gian gọi là hát nhà tơ, hát ả đào) Đây cũng là loại hát thờ trước cửa đinh, mừng dâng thành trong dịp hội làng, do phường hát Do Nghĩa trình diễnmỗi dịp lễ.

Ngoài sân đền Hạ, mỗi bàn đu có hai cô tiên (cô gái Mường trẻ mặc đẹp) ngồi ở đó. Đu quay được là do các cô này sẽ luân phiên lấy chân đạp đất. Đu tiên là trò chơi đẹp mắt, nhịp nhàng của phụ nữ thời xưa. Xung quanh khu vực dưới chân núi Hùng tổ chức các trò diễn và trò chơi dân gian cổ truyền, diễn ra rất sôi động, được nhiều người tham dự và chờ đón như trò chơi ném côn, chơi đu, đầu vật, chọi gà,... Những trò đánh cờ người và tổ tôm điếm được các cụ cao niên tâm đắc và tham gia nhiệt tình. Còn các đám trai gái, nam thanh, nữ tú tụm năm, tụm ba trên các đồi đó trổ tài hát ví, hát trống quân hoặc hát đối đáp giao duyên tình tứ…Tối đến có tổ chức hát chèo, hát tuồng ở các bãi rộng ngay cửa đền Hạ hoặc đền Giếng khiến không khí lễ hội trở nên gần gũi mà trang nghiêm…

Lễ hội Đền Hùng là một trong những phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt Nam bao đời nay. Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ Phú Thọ đã trở thành "Thánh địa linh thiêng” của cả nước từ Bắc vô Nam, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc hùng cường. Trải qua bao thời đại lịch sử tuy có lúc thịnh, lúc suy nhưng lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm. Điều này đã thể hiện rõ bản lĩnh phi thường và nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam qua các thế hệ. Người dân hành hương về đất Tổ chỉ cần là người Việt Nam thì trong tâm khảm mỗi người về đây đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng. Bởi vậy, hễ ai là người Việt Nam nếu có sẵn tâm thành và lòng thành kính hành hương về đất Tổ thì tự mình có thể thực hiện

Lễ hội đền Hùng hay giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội đoàn viên, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, tổ tiên, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm một lòng hướng về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào, thế hệ nào.

Các địa điểm du lịch tham quan tại đền Hùng bạn nên biết

Khi tới tham quan du lịch tại đền Hùng có những điểm dừng chân mà du khách không thể bỏ qua như cổng đền, đền Hạ, nhà Bia, chùa Thiên Quang, đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), đền thượng, Lăng Hùng Vương, đền Giếng (Ngọc Tỉnh), đền Tổ mẫu Âu Cơ và sau cùng là bảo tàng Hùng Vương.

Ăn gì khi tham quan lễ hội đền Hùng?

Những món ăn dân dã, đặc sản địa phương như bánh tai Phú Thọ, thịt chua Thanh Sơn, cọ ỏm, bánh làng Dòng, bánh sắn... là những món ăn mà du khách thập phương và người dân nơi đây không thể nào không thưởng thức khi có dịp đến với đền Hùng, tham gia lễ hội đền Hùng. Đó thực sự là một trong những trải nghiệm về nét văn hóa ẩm thực nói riêng, cảm nhận về nét đặc trưng của đất và người Phú Thọ nói chung.

Lịch trình du lịch tham quan đền Hùng

Hà Nội – Đền Hùng trong 1 ngày

Đây là lịch trình khám phá du lịch đến Phú Thọ trong vòng 1 ngày, phù hợp với các bạn xuất phát từ Hà Nội

Sáng xuất phát sớm từ Thủ đô Hà Nội, điểm đến đầu tiên là đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, Hạ Hòa. Đây tương, tỉnh Phú Thọ truyền là nơi mẹ Âu Cơ hóa tiên bay về trời. Khoảng 5h00 đi thì khoảng 7h có mặt tại đền, đi đường cao tốc Lào Cai, ra ở điểm IC10.

Sau khoảng 1 tiếng ở đền Mẫu bạn tiếp tục khởi hành đi Đền Hùng. Khoảng cách từ đền Mẫu Âu Cơ đi Đền Hùng là 60km, thời gian di chuyển 2 địa điểm này là khoảng 1 tiếng.

Dâng hương tưởng niệm vua Hùng tại đền thờ Lạc Long Quân rồi sau đó nghỉ ngơi ăn trưa để tiếp tục hành trình.

Tiếp tục du khách sẽ di chuyển đi thăm làng cổ Hùng Lô, đình cổ Hùng Lô. Đây là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu và lâu đời ở Phú Thọ với niên đại khoảng 300 năm. Tại lễ hội, bạn sẽ xem biểu diễn và tìm hiểu về hát xoan cổ, một loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Làng cổ Hùng Lô với nhiều ngôi nhà có niên đại trên 200 năm tuổi, tham quan các làng nghề truyền thống với nhiều trải nghiệm mới mẻ.

Khoảng 5h chiều xuất phát để lên xe về Hà Nội, 7h có mặt ở Hà Nội kết thúc chuyến đi sau 1 ngày.

Các tuyến tham quan đền Hùng

Đầu tiên: Du khách sẽ thắp hương đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân → tiếp đến là đền thờ Tổ Mẫu Âu cơ → Đền thờ các Vua Hùng “theo hướng đi từ cổng lên đền → du khách tham quan tại đền Hạ → bạn dừng chân tiếp tại chùa Thiên Quang → tiếp đến là đền Trung → đến đền Thượng → xuống giếng Cổ, một điểm dừng chân chứa đựng nhiều điều hấp dẫn → sau đó xuống đền Giếng” → ngoài ra, bạn có thể đến các điểm tham quan khác và kết thúc hành trình.

Lộ trình thứ hai: Bạn thắp hương đền thờ đền thờ Tổ Mẫu Âu cơ → Sau đó đến đền thờ các Vua Hùng “đi từ cổng lên đền → tiếp theo là đền Hạ → bạn dừng chân tiếp tại chùa Thiên Quang → bạn ghé đền Trung → lên đền Thượng → tiếp theo đến giếng Cổ → bạn xuống đền Giếng” và bạn đến các điểm tham quan khác → sau đó dừng chân ở đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và kết thúc hành trình.

Lộ trình cuối cùng: Khi đi từ cổng trung tâm lễ hội → bạn đền thờ các Vua Hùng “đi từ cổng lên đền → bạn qua đền Hạ → tới chùa Thiên Quang → đi tiếp đến đền Trung → sau qua đền Thượng → bạn đi tiếp xuống giếng Cổ → điểm tiếp theo là xuống đền Giếng” → sau cùng có thể là đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ → và các điểm tham quan khác → rồi đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân → và kết thúc hành trình.

Những lưu ý khi tham quan lễ hội đền Hùng

Lưu ý quan trọng đầu tiên khi bạn tham quan Đền Hùng đó là trang phục. Tuy đi du lịch nhưng vì đây là nơi trang nghiêm, linh thiêng, thờ cúng nên bạn cần phải ăn mặc phù hợp, đúng thuần phong mỹ tục, không hở hang cũng như không nên chụp hình bên trong các đền thờ.

Vvì lượng khách du lịch thập phương trong cả nước đổ về Đền Hùng hàng năm khá là lớn, đặc biệt là vào lễ Giỗ tổ. Cho nên để an toàn thì bạn nên sử dụng balo, túi xách và đeo phía trước ngực khi di chuyển đến những nơi đông người để tránh bị cướp bóc và các tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.

Với những ai tự đi xe máy/ô tô là những phương tiện cá nhân để đến đây thì đừng quên mang theo đầy đủ những giấy tờ tùy thân cần thiết như chứng minh nhân dân, , căn cước công dân gắn chíp và bằng lái xe cũng như mua xăng dự trữ và chuẩn bị những dụng cụ sửa xe cơ bản để đề phòng trường hợp xe gặp vấn đề khi di chuyển dọc đường.

Các cách di chuyển đến đền Hùng

Để tới tham quan, du xuân đến tham gia lễ hội đền Hùng, du khách có thể chọn di chuyển bằng xe khách, tàu hỏa. Nếu ở gần, bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy...

Tham khảo giá vé tham quan Đền Hùng

Giá vé khi bạn tham quan quần thể du lịch Đền Hùng bao gồm các loại vé với các mức phí khác nhau như

Vé vào bảo tàng có mức giá khoảng 15.000/người.
Vé đi xe điện là 50.000/người.
Vé lên các ngôi đền chỉ với 10.000/người

Trên đây là những thông tin cơ bản về lễ hội đền Hùng để bạn có thể tham khảo và trở thành lựa chọn trong danh sách những điểm vui chơi, tham quan trong mùa xuân này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội đền Hùng: Lễ hội nổi tiếng ở miền Bắc