Thanh Hóa: Lễ hội đền Bà Triệu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hương Giang|11/02/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội đền Bà Triệu 2023 nhân kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinhđược tỉnh Thanh Hóa tổ chức từ ngày 11-13/3.

Ngày 11-13/3, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 nhân kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22/2 năm Mậu Thìn 248 - 22/2 năm Quý Mão 2023).

le-hoi-ba-trieu.jpg
Nghi thức rước kiệu tại Lễ hội đền Bà Triệu.

Theo kế hoạch, Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Bà Triệu và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 sẽ được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Đây là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu, tiềm năng du lịch địa phương với du khách trong nước và quốc tế.

Tại buổi lễ, phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh cũng như tác động mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trên quê hương Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, còn có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc cùng hoạt động trưng bày hiện vật, sách báo, tranh ảnh giới thiệu về di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu, các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Thanh,…

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ ngày 22-24/2 âm lịch hằng năm để thể hiện sự tri ân, tôn vinh những cống hiến, hy sinh lớn lao của Bà Triệu và các bậc nghĩa sỹ đã có công dựng nước, giữ nước trong lịch sử của dân tộc. Đồng thời khơi dậy nét đẹp văn hóa, truyền thống lâu đời đậm đà bản sắc của xứ Thanh.

Lễ hội diễn ra trên một không gian rộng theo quy trình đền, lăng, đình. Các điểm di tích ấy đều diễn ra tế lễ với nghi thức trang trọng, vừa truyền thống vừa kết hợp với lễ hội đương đại. Riêng tại đình làng Phú Điền tổ chức nghi thức hội “Ngô - Triệu giao quân”. Tại đền Bà Triệu chủ yếu là tế lễ, như rước kiệu, tế nữ quan. Ngoài các nghi thức lễ trên còn có lễ Mộc dục. Đây là một nghi thức lễ được nhân dân địa phương rất chú ý, thận trọng, chọn ngày tốt để hành lễ.

Tiếp đó là tế Phụng Nghinh. Tế Phụng Nghinh là thủ tục mời Vua Bà cùng lục bộ triều đình, hội đồng các quan, thánh tổ bách gia về trong ngày húy kỵ Vua Bà, là ngày rất trang nghiêm và linh thiêng, thời gian tế nửa ngày. Việc rước bóng là một nét độc đáo trong lễ hội Đền Bà Triệu, trong ngày chính hội là một thể thức hết sức quan trọng, người ta đặt bát hương Vua Bà lên kiệu cùng với hộp tư trang, đĩa trầu cau và chọn tám chàng trai đức độ, mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng mầu đỏ, đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đất để khênh kiệu. Đoàn rước đông người tham dự sẽ rước từ đền chính đến lăng rồi về đình làng. Đến lăng, kiệu được đặt trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức Bà, nhân ngày húy kỵ, để tưởng nhớ công ơn của Bà với dân, với nước. Đoàn cử hành về đình làng, kiệu, bát hương bóng Bà đặt giữa đình và tiếp tục tế lễ một ngày một đêm gồm các tế yên vị, tế tam sanh. Sau đó đoàn rước tế theo lộ trình về đình chính để làm lễ.

Ngoài phần lễ thì trong phần hội không có trò diễn dân gian mà chỉ có hội trận tại đình làng Phú Điền, đây là linh hồn của các hoạt động lễ hội, bởi nó khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô của Bà Triệu.

Lễ hội Bà Triệu là hoạt động văn hóa, tâm linh quý giá, phản ánh sức mạnh tinh thần, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh khí phách anh hùng và sự biết ơn của đất nước với anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, người phụ nữ đầu tiên được nhà nước phong kiến phong Thần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Lễ hội đền Bà Triệu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia