Gìn giữ giá trị văn hóa lễ hội Lồng Tồng Tuyên Quang

Lan Anh|10/02/2023 16:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày Tuyên Quang được coi như là một hoạt động tín ngưỡng để cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Lồng tồng, còn được biết đến với tên gọi khác là lễ hội xuống đồng là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, tỉnh Tuyên Quang tổ chức hàng năm vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch. Đây được coi như là một hoạt động tín ngưỡng để cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Năm 2013 lễ hội Lồng tồng cùng với làn điệu then đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Xuống đồng ngày xuân

Trong không khí đón mùa xuân mới, đồng bào Tày ở khắp các bản Tày ở Tuyên Quang nô nức cùng nhau tổ chức nghi lễ và các hoạt động để khởi đầu cho một năm cấy cày, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

cay-trong.jpg
Phần thi cày trong lễ hội Lồng tồng.

Trước ngày tổ chức lễ hội, các bản Tày chuẩn bị các công việc cho ngày hội như chuẩn bị lễ cúng thần linh bao gồm xôi màu, gà, hoa quả, tiền vàng, , bánh, trầu cau... và chọn thửa ruộng gần trung tâm, ở nơi bằng phẳng cho tổ chức nghi thức xuống đồng, tổ chức hội thi cấy. Các bản cũng chọn chiếc cày đẹp, chắc khỏe, dán giấy màu, chọn con trâu tốt để thực hiện những đường cày đầu tiên cho năm mới.

Theo thông lệ, cứ đến mồng 5 hoặc mồng 7 tháng Giêng hàng năm, trong tiết trời mùa xuân ấm áp, lòng người phấn chấn tại các bản Tày nô nức tập trung tại thửa ruộng được bản chọn để tổ chức hội Lồng tồng.

Nghi thức diến ra lễ hội Lồng tông

Lễ hội Lồng tông gồm 2 phần: Phần lễ bắt đầu bằng việc rước 9 mâm Tồng từ đền Bách Thần), về sân vận động trung tâm của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang với màn múa lân (múa "xuống đồng") của những nam thanh, nữ tú. Các mâm Tồng có các sản vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho người dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau đó, Thầy cả (người cúng chính của lễ) và các thầy giúp việc làm lễ đặt mâm Tồng, tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà. Cuối phần lễ là nghi lễ xuống đồng (cày ruộng) với ước muốn đường cày đem đến may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu...

Phần hội với các trò chơi dân gian như:kéo co, tung còn và các hoạt động văn hóa, thể thao; hội thi làm bánh giầy ngũ sắc, trưng bày không gian văn hóa các dân tộc, trưng bày quả còn khổng lồ;... tạo không khí vui tươi nhân dịp xuân mới giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Lễ hội Lồng tồng ở vùng cao Tuyên Quang không những mang giá trị văn hóa tâm linh mà còn là dịp để đồng bào Tày mỗi vùng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình, giáo dục thế hệ trẻ biết yêu quý những gì cha ông để lại, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Đồng bào Tày cùng nhau tổ chức xuống đồng đầu năm mới là hoạt động gắn với tập quán trồng lúa nước từ xưa đến nay, là sự quý trọng hạt gạo nuôi sống con người, là ý chí chinh phục tự nhiên làm nên hạt lúa cho cuộc sống ấm no.

Bảo tồn và phát huy lễ hội Lồng tồng

lễ hội Lồng tồng được bảo tồn và phát huy giá trị trong thời kỳ hội nhập, tại các địa phương nơi có đông đồng bào Tày sinh sống đã đưa lễ hội Lồng tồng vào danh mục các hoạt động lễ hội cần được gìn giữ, tổ chức trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân bản.

Công tác bảo tồn được các địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp như ghi chép các tư liệu liên quan đến lễ hội Lồng tồng, sưu tầm để đưa các tư liệu đó vào sách tư liệu. Công việc này được các nghệ nhân dân gian tại các bản Tày dày công nghiên cứu và sưu tầm.

le-hoi.jpg
Lễ hội Lồng Tồng – nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Tày Tuyên Quang.

Với đặc thù lễ hội Lồng tồng có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, là lễ hội mở màn vào mùa xuân, khởi đầu của năm mới. Vì vậy, các bản làng Tày đã tổ chức hằng năm lễ hội để đưa Lồng tồng vào môi trường diễn xướng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thực tế, sinh động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân. Từ đó, mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Tày không chỉ tham gia, góp công sức vào tổ chức lễ hội mà còn tự hào và có ý thức gìn giữ, nét đẹp văn hóa của cộng đồng.

Lễ hội Lồng tồng là nét đẹp văn hóa được các bản làng Tày trình diễn để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội Lồng tồng một cách hiệu quả. Gắn với phát triển du lịch cộng đồng, các điểm du lịch ở vùng cao Tây Bắc đã tổ chức các không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc, trong đó có lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được nét độc đáo và giá trị nhân văn của lễ hội gắn với nghề trồng lúa của đồng bào vùng cao nói chung dân tộc Tày nói riêng.

Lễ hội Lồng tồng ở Tuyên Quang mang tính cộng đồng cao và là sự quy tụ tinh hoa của những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Trải qua biến động của thời gian, bản sắc văn hóa trong lễ hội Lồng tồng vẫn được đồng bào Tày vùng Tuyên Quang lưu giữ trong tiềm thức, trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng nhân dân nơi đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ giá trị văn hóa lễ hội Lồng Tồng Tuyên Quang