Rừng tại Quảng Bình
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, đã hoàn thiện văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ gửi Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF).
Trước đó, Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp/Ngân hàng Thế giới đã cam kết chi trả cho nỗ lực giảm phát thải sau khi thẩm định kết quả thực hiện là 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 60 triệu USD trong thời gian 6 năm thực hiện chương trình (từ năm 2018 đến năm 2024). Nếu kế hoạch này được thực thi, đây sẽ là nguồn kinh phí đáng kể để bổ sung cho công tác bảo vệ, phát triển rừng trong những năm tới của nước ta.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp triển khai gấp những nội dung để hoàn chỉnh hồ sơ thí điểm bán 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi nhằm đảm bảo bảo vệ thành công trước kỳ họp của Quỹ Đối tác carbon tại Paris (Pháp) vào tháng 12/2017.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính tới hết tháng 9/2017, cả nước đã thu được 1.094,97 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 66,3% kế hoạch năm 2017, trong đó đã giải ngân được 196 tỷ đồng cho chủ rừng, đạt 19% kế hoạch năm 2017.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý Tổng cục phải sớm rà soát lại nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và có định hướng đầu tư đúng hướng, nhất là đối với các khu vực Mường Nhé (Điện Biên), Tây Nguyên và rừng ngập mặn. Dự kiến trong năm 2018, nguồn thu này sẽ tăng thêm 800 tỷ đồng, từ mức 1.200 tỷ đồng năm 2017 lên 2.000 tỷ đồng do tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện.
Một thông tin khác, theo Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phân bổ 1.210 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm nghiệp (390 tỷ năm 2016 và 820 tỷ năm 2017). Đây là nguồn kinh phí rất có ý nghĩa tại thời điểm này đối với các địa phương. Tổng cục Lâm nghiệp dự báo, năm 2017 lâm nghiệp sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,6%. Hiện nay, số lượng khai thác rừng trồng tập trung 9 tháng đã đạt 13,2 triệu m3, tăng 10% so với năm 2016; giá trị xuất khẩu đạt 5,76 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ (dự kiến năm 2017 giá trị xuất khẩu đạt 7,6-7,8 tỷ USD).
Trong tháng 9/2017, mưa lũ lớn và bão đã gây thiệt hại lớn đến SX và đời sống của người dân miền Bắc, miền Trung. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, bão số 10 đổ bộ vào khu vực miền Trung dù đã hạn chế thiệt hại về người, song thiệt hại về kinh tế rất lớn (ước tính thiệt hại ban đầu do bão số 10 khoảng 11.282 tỷ đồng). Riêng lĩnh vực lâm nghiệp, bão số 10 đã gây thiệt hại 150.000ha rừng, trong đó có 36.000ha bị thiệt hại trên 70%.
Về vấn đề này, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương nhanh chóng tổng hợp thiệt hại do bão số 10 để sớm hoàn thiện báo cáo sơ kết; chuẩn bị chương trình hành động ứng phó với các điểm sạt lở; khẩn trương cử cán bộ vào hỗ trợ khắc phục sự cố xảy ra tại hồ Gia Hoét, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo các cơ sở thu mua, chế biến gỗ nguyên liệu đảm bảo giá thu mua nguyên liệu gỗ bị gãy đổ do bão.
Theo Nông Nghiệp