Uống nhiều nước, ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, có tính kháng viêm, tránh uống rượu, bia trước và sau khi tiêm vắc-xin.
Tất cả các loại vắc-xin phòng Covid-19 đều đã được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn uống bình thường. Điều này chứng minh vắc-xin đạt được hiệu quả phòng bệnh khi tiêm mà không cần phải có bất kỳ chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào. Tuy nhiên, nếu có một thực đơn ăn uống khoa học, hợp lý sẽ giúp cơ thể bảo đảm được dinh dưỡng, sức khỏe trước và sau khi tiêm vắc-xin.
Ảnh minh họa
Phụ nữ cần uống đủ 2,7 lít nước mỗi ngày, nam giới cần 3,7 lít. Khoảng 20% nước đến từ thức ăn, lượng nước còn lại cần được bổ sung đủ và đều trong ngày.
Để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống miễn dịch sau khi tiêm chủng, cần tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có tính kháng viêm như các loại rau lá có màu xanh đậm, vì sẽ có hàm lượng chất chống ôxy hóa cao, giúp kháng viêm hiệu quả. Một số loại rau dễ tìm và nên dùng là bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, rau bina, rau ngót, rau muống, bắp cải.
Ngoài rau cũng cần ăn nhiều loại trái cây, đặc biệt là các loại như dâu tây, việt quất, cam, nho, bơ; một số loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó và nhiều loại hạt khác (mè, đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ, hà lan…); các loại cá béo như như cá hồi, cá thu, cá mòi và dầu ô liu. Tăng cường thêm các loại thực phẩm nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe như bánh mì, yến mạch, gạo lứt, bắp…
Cần đảm bảo một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng. Đó là ăn đa dạng thức ăn với tỷ lệ cân đối giữa các nhóm đạm – đường – béo – xơ.
Nhóm xơ là cách gọi tắt, thực chất là nhóm vitamin, khoáng chất và các chất xơ có trong các loại rau, củ, quả… có vai trò rất quan trọng trong tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ miễn dịch. Mỗi người trong ngày nên ăn 200 – 300g rau xanh và 100 – 200g quả chín. Nhóm đạm nên ăn thay đổi, xen kẽ giữa đạm động vật là các loại thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua… và đạm thực vật là các loại đậu, đỗ… Nhóm béo bao gồm mỡ động vật và dầu thực vật cũng nên được ăn xen kẽ giữa các loại. Nhóm bột đường là các loại ngũ cốc, ngoài thường xuyên ăn gạo cũng nên thay đổi các loại khác như lúa mỳ, ngô, khoai…
Chú ý ăn thêm các món gia vị như hành, tỏi, gừng, nghệ… để tăng cường khả năng miễn dịch, kháng viêm, cung cấp nhiều lợi khuẩn tốt cho tiêu hóa.
Luôn ăn chín uống sôi và đảm bảo vệ sinh: Sau khi tiêm cần tuyệt đối tránh các món tái, món gỏi. Luôn rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước và sau khi ăn.
Châu Anh