Bộ Tài nguyên và Môi trường gấp rút chuẩn bị cho Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu

Theo Monre|18/04/2018 08:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham dự Diễn đàn hợp tác môi trường Việt Nam – Hàn Quốc 2018

(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 17/4, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp bàn cho công tác chuẩn bị cho Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 tại Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tại cuộc họp, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ đã báo cáo lãnh đạo Bộ về lịch trình hoạt động của Kỳ họp; các công tác chuẩn bị nội dung, hậu cần, truyền thông,… cho Kỳ họp. Bộ đã báo cáo Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 và các sự kiện liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt Kỳ họp này, bảo đảm mục tiêu đề ra. Bộ cũng đã làm việc với Ban thư ký GEF và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng để phối hợp chuẩn bị các nội dung liên quan.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần này có quy mô lớn, tầm cỡ quốc tế. Việt Nam được vinh dự chọn là nước chủ nhà đứng ra tổ chức và Đà Nẵng là địa phương được chọn là nơi tổ chức cho nên việc tổ chức phải thể hiện được bản sắc của Việt Nam với hình ảnh của đất nước mến khách, an ninh, phát triển bền vững. Bộ trưởng cho rằng kỳ họp Đại hội đồng GEF thành công và đưa ra được những quyết sách quan trọng cho hoạt động của GEF; đồng thời cũng sẽ giúp Việt Nam quảng bá được du lịch, đất nước, con người; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để làm được điều đó, Bộ trưởng đề nghị Ban tổ chức sẽ phải cùng với GEF thống nhất và xây dựng được chương trình tổng thể để hai bên cùng nhau phối hợp thực hiện một cách hoàn hảo nhất. Ngoài ra, với những chương trình nội dung mà Việt Nam tham gia với tư cách chủ nhà Bộ trưởng đề nghị phải có sự phối hợp và tham gia của các Bộ, ngành, địa phương; các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp; các tổ chức chính trị xã hội. “Đây là cơ hội để đại diện Việt Nam tham gia vào mọi hoạt động của Kỳ họp và các sự kiện liên quan, đặc biệt trong các Phiên hội nghị bàn tròn và các sự kiện bên lề. Đây là sự đóng góp, tham gia của Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; là cơ hội để tìm hiểu, biết thêm được quốc tế, khu vực, thế giới làm gì.” – Bộ trưởng nói.

Để triển khai tốt các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp, Bộ trưởng đề nghị thành lập các tiểu ban với sự phân công, phân trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đến từng đầu mối, bộ phận. Đặc biệt, Bộ trưởng rất quan tâm tới khâu đón tiếp khách, cần bảo đảm đúng nghi thức, trọng thị, thân thiện, mến khách. Đối với chuẩn bị nội dung, ngoài việc đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành tham gia trong các Phiên họp bàn tròn cấp cao, các sự kiện bên lề của Kỳ họp, Bộ trưởng cũng giao các đơn vị chuyên môn trong Bộ chuẩn bị tốt các sáng kiến của Việt Nam. Đây sẽ là những đóng góp sáng kiến có ý nghĩa của Việt Nam gửi tới Đại hội đồng GEF.

Trong khuôn khổ của Kỳ họp, Bộ cũng sẽ thúc đẩy tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp tác bên lề với các tổ chức quốc tế lớn như UNDP, UNEP,UNIDO, IUCN,… Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Ban tổ chức phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng bên lề như: Triển khai các hoạt động làm sạch biển, đại dương; triển lãm các tác phẩm nghệ thuật và đồ mỹ nghệ làm từ vật liệu tái chế…

Bộ trưởng cũng đề nghị đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá trước, trong và sau Kỳ họp qua các các kênh thông tin chính thống trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngoài các hoạt động truyền thông về kỳ họp, cũng cần ghi nhận, đánh giá được các hoạt động của Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam thời gian qua; gắn kết với giới thiệu về hình ảnh, đất nước, môi trường, văn hóa, du lịch của Việt Nam đến với các bạn bè quốc tế.

“Thông qua Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần này, kỳ vọng sẽ cho cộng đồng thế giới thấy được những thông điệp, sự nỗ lực cũng như định hướng của Chính phủ Việt Nam trong những năm qua đối với công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; đồng thời cho bạn bè và các tổ chức quốc tế thấy được những hoạt động và đóng góp to lớn của GEF đối với sự phát triển của đất nước trong những năm qua cùng với đó là những thành quả mà GEF đạt được tại Việt Nam” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập năm 1991 nhân sự kiện Hội nghị về Môi trường và Phát triển lần thứ nhất của Liên hợp quốc (Hội nghị thượng định trái đất) nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Với 183 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường. GEF hỗ trợ tài chính trong các lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp, các hoạt động hỗ trợ khác.

Từ khi thành lập, GEF đã viện trợ 14,5 tỉ đô la Mỹ và huy động thêm 75,4 tỉ đô la Mỹ cho gần 4.000 dự án về môi trường. Các đối tác tham gia thực hiện dự án của GEF cũng rất đa dạng và là các tổ chức có uy tín trên trường quốc tế như: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Về cơ chế hoạt động, Đại Hội đồng GEF gồm đại diện của 183 quốc gia thành viên là cấp điều hành cao nhất của GEF. Đại Hội đồng họp 4 năm một lần để tổng kết và đánh giá các chính sách chung, các hoạt động và thành viên của GEF. Đại Hội đồng chịu trách nhiệm xem xét và phê duyệt các đề xuất sửa đổi các văn kiện của GEF.

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ Tài nguyên và Môi trường gấp rút chuẩn bị cho Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.