Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 3201/BTNMT - TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức triển khai việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã quy định hạn chế khai thác nước dưới đất tại một số khu vực và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất (sau đây gọi chung là Nghị định số 167).
Theo đó, Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo khoanh định, công bố Danh mục, Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (gồm 5 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: Vùng hạn chế 1; Vùng hạn chế 2; Vùng hạn chế 3; Vùng hạn chế 4 và Vùng hạn chế hỗn hợp), phê duyệt và chỉ đạo triển khai Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất đảm bảo tính đồng bộ, liên tục theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, tuân thủ quy định của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất, đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan và căn cứ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 39 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là UBND tỉnh) thực hiện các nội dung cụ thể là:
Đối với các tỉnh đã phê duyệt Danh mục, Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 167, các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, trình UBND tỉnh ban hành quyết định bãi bỏ Vùng hạn chế 3, Vùng hạn chế 4 và điều chỉnh Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt cho phù hợp, đảm bảo phải hoàn thành và được công bố trước ngày 01/7/2024 để triển khai thực hiện đồng bộ với ngày có hiệu lực của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ.
Cùng với đó báo cáo việc bãi bỏ các vùng hạn chế và điều chỉnh phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/7/2024, đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng để phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Đối với các tỉnh chưa phê duyệt Danh mục, Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 167, các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng để phê duyệt Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 7 Điều 31 Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và được hướng dẫn tại Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Trên cơ sở Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất được phê duyệt, tổ chức triển khai việc khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (nếu có trong nội dung Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất được phê duyệt) theo quy định tại các Điều 33, 34, 35, 36, 37, 38 và Điều 39 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị UBND tỉnh phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, hướng dẫn.
Khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024 quy định: Việc xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan và được xem xét, khoanh định tại các khu vực: khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất; khu vực đã xảy ra sụt, lún đất hoặc có nguy cơ sụt, lún đất; và khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn.