Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty nước mặt sông Đuống đảm bảo không gây xói lở lòng, bờ sông khu vực khai thác nước; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống đê và không gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản, hoạt động giao thông thủy.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sông Đuống tại vị trí khai thác và có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm tại đây.
Trong trường hợp nguồn nước sông Đuống tại vị trí khai thác bị ô nhiễm không thể xử lý hoặc xảy ra sự cố công trình, doanh nghiệp dừng ngay việc khai thác và báo cáo kịp thời đến các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương.
Theo giấy phép, Công ty nước mặt sông Đuống chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý tài nguyên nước ở Trung ương và địa phương; chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ảnh hưởng bất lợi của công trình đến xã hội và môi trường. Định kỳ hằng năm, doanh nghiệp báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của nhà máy gửi về Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội theo quy định. Thời hạn của giấy phép trên đến hết ngày 3/5/2028.
Nhà máy nước mặt sông Đuống của doanh nghiệp này có trạm bơm nước thô tại thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lượng nước khai thác, sử dụng lớn nhất theo giấy phép là 378.000m3/ngày đêm. Nước thô sau xử lý sẽ được hòa vào mạng lưới cấp nước sạch của Hà Nội và vùng phụ cận.