Bố trí ngân sách, các nguồn lực tại chỗ cho phòng, chống rét hại

Minh Ngọc|29/12/2021 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để chủ động ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại đang diễn ra tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để thực hiện các hoạt động phòng, chống.

Rét hại ảnh hưởng lớn đến đời sống

Số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, những năm gần đây, tình trạng rét đậm, rét hại ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Điển hình như đợt rét từ 14/1-20/2/2008 (38 ngày) dài nhất trong lịch sử, nhiệt độ thấp nhất dưới 0 độ C như: Sa Pa (Lào Cai): -1,0 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): -20C. Đợt rét đã làm 137.932 con gia súc bị chết.

Ảnh minh họa.

Đợt rét từ 3/1-3/2/2011 (31 ngày) với nhiệt độ thấp nhất dưới 0 độ C như: Sa Pa (Lào Cai) 0 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): -3,6 độ C. Rét hại, băng giá đã làm trên 30 nghìn con gia súc chết.

Đợt rét từ 22-28/01/2016 có nhiệt độ thấp trong lịch sử, xảy ra trên diện rộng; một số điểm nhiệt độ rất thấp như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -5,0 độ C, Sa Pa (Lào Cai) -4,2 độ C; Rét hại, băng giá đã làm 36.678 con gia súc bị chết.

Gần đây nhất là đợt rét đậm, rét hại từ ngày 7-13/1/2021 với nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như: Sa Pa (Lào Cai) -2,2 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -3,40C. Nhiều khu vực núi cao xuất hiện băng giá, đặc biệt từ ngày 10-11/1/2021, trên địa bàn huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã xuất hiện mưa tuyết.

Đợt rét này đã làm 2.354 con gia súc bị chết, trong đó có những địa phương không phải trọng tâm như Thừa Thiên – Huế (461 con gia súc bị chết); đã xảy ra thiệt hại về người do sưởi ấm bằng bếp than tại tỉnh Hà Giang, Quảng Bình (Hà Giang: 1 người chết, 1 người bị ngạt khí; Quảng Bình: 1 người chết, 1 người bị ngạt khí).

Bố trí ngân sách ứng phó

Trước diễn biến của rét đậm, rét hại, ngay từ đầu mùa, ngày 8/11/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có Văn bản số 115/QGPCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; các Bộ ngành, các cơ quan truyền thông đề nghị triển khai các biện pháp chuẩn bị ứng phó với rét.

Tiếp đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành 3 Công văn chỉ đạo ứng phó trước mỗi đợt rét trong tháng 11-12/2021 vừa qua. Đó là Công văn số 566/VPTT ngày 29/11/2021; số 593/VPTT ngày 11/12/2021 và gần đây nhất là Công văn số 615/VPTT ngày 24/12/2021.

Về đợt rét đang diễn ra, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến rét hại, băng giá; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa biết để chủ động phòng chống.

Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh, hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh, không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét; sẵn sàng phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Tham khảo tài liệu hướng dẫn, truyền thông trên trang thông tin điện tử của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng; hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm của người dân địa phương.

Chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Đặc biệt, các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để thực hiện các hoạt động phòng, chống; triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí cho người dân, nhất là gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại như: gia cố, che chắn, vệ sinh chuông trại; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vắc xin phòng bệnh, khôi phục sản xuất,…

Minh Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bố trí ngân sách, các nguồn lực tại chỗ cho phòng, chống rét hại