– Một nhóm các nhà khoa học quốc tế hôm (10/4) đã tự hào công bố bức ảnh đầu tiên về hố đen, được chụp thông qua dự án Kính viễn vọng Event Horizon (EHT).
>>>Quảng Trị: Sau cơn mưa, xuất hiện hố sâu bất thường giữa ruộng lúa
>>>Những bí ẩn bên trong hang động lớn nhất thế giới
Theo CNN, bức ảnh chụp hố đen được công bố trong một loạt các cuộc họp báo được tổ chức cùng lúc trên khắp thế giới vào tối 10/4.
Hình ảnh chưa từng có về hố đen
Bức ảnh cho thấy một vầng hào quang gồm bụi và khí, vạch ra hình dáng của một hố đen khổng lồ ở trung tâm thiên hà Messier 87, nằm cách trái đất 55 triệu năm ánh sáng.
Bức ảnh trên được gọi là “đĩa bồi tụ” – accretion disc, và nó được xem là “cái bóng” của hố đen, nằm tại khu vực chân trời sự kiện.
Hình ảnh đột phá này được Kính viễn vọng Event Horizon (EHT) – một mạng lưới gồm 8 kính viễn vọng được đặt ở một loạt địa điểm từ Nam Cực tới Tây Ban Nha và Chile chụp lại.
Sheperd Doeleman, Giám đốc dự án EHT đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao tại trường đại học Havard nói: “Các hố đen là những vật thể bí hiểm nhất trong vũ trụ này. Chúng ta đã nhìn thấy cái mà chúng ta từng nghĩ là không thể nhìn thấy được. Chúng tôi đã chụp được một tấm ảnh về hố đen”.
Theo NASA, các hố đen được làm từ một lượng lớn vật chất bị ép vào một khu vực nhỏ bé, tạo ra một vùng hấp dẫn, hút mọi thứ xung quanh nó, gồm cả ánh sáng. Bản thân hố đen là một cửa sập vũ trụ, không có ánh sáng hay bất cứ vật chất gì có thể lọt qua, và từng được cho là không thể nhìn thấy được.
Theo Eduardo Ros – chuyên gia từ ĐH Granada thì điều quan trọng nhất để thu được ảnh là sử dụng dữ liệu từ các kính tiềm vọng nằm ở khu vực có khí quyển khô và mỏng, nhằm tránh bị nhiễu loạn. Họ cần đặc biệt chú ý đến điều kiện thời tiết, và luôn sẵn sàng quan sát trong từng giai đoạn.
Trong vòng 4 ngày quan sát, vòng sáng kia vẫn không mất đi, chứng tỏ rằng đó là một vật thể tồn tại ổn định – Monika Moscibrodzka từ ĐH Radboud giải thích. Tuy nhiên, vòng sáng dường như đang quay, và có thể là theo chiều kim đồng hồ.
Phương Thảo (T/h)