Cá lại chết trắng Hồ Tây, công nhân môi trường gồng mình dọn dẹp

Hạ Vy|27/08/2023 14:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời tiết thay đổi, thiếu không khí, hàm lượng oxy trong nước giảm, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc do bùn, tảo… gây ra là những nguyên nhân được xác định gây nên tình trạng cá chết nổi trắng hồ Tây trong những ngày gần đây.

27.8-htay.jpeg
Công ty Thoát nước Hà Nội tăng cường lực lượng vớt cá chết ở Hồ Tây để giảm ô nhiễm môi trường 

Thông tin về tình hình cá chết trên Hồ Tây những ngày qua, UBND quận Tây Hồ cho biết, hiện tượng cá chết trên hồ Tây bắt đầu xuất hiện những ngày gần đây, số lượng cá chết lác đác, phân tán trên mặt hồ vào đêm và rạng sáng trôi dạt vào ven bờ hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên...

Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng) đôn đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) theo dõi, kiểm tra và tăng cường thu vớt xác cá chết để đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị.

Hiện Công ty Thoát nước Hà Nội đang tăng cường thu vớt, thu gom, vận chuyển về bãi xử lý theo quy định; số lượng thu gom bình quân 50 kg/ngày, chủng loại cá chết chủ yếu gồm cá trôi, cá mè…

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, sơ bộ xác định một số nguyên nhân gây hiện tượng cá chết tại Hồ Tây như: Thay đổi thời tiết; thiếu không khí, hàm lượng oxy trong nước giảm; chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo…) gây ra.

Trong thời gian tới, UBND quận Tây Hồ tiếp tục chỉ đạo UBND các phường xung quanh hồ và các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, phối hợp, đôn đốc Công ty Thoát nước Hà Nội tăng cường thu vớt cá chết từ xa trước khi dạt vào bờ nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước hồ và đảm bảo cảnh quan; tăng cường lực lượng từ UBND các phường và các đơn vị khác tham gia phối hợp thu vớt xác cá chết (nếu cá chết nhiều).

Lý giải về hiện tượng cá chết khi thời tiết thay đổi, các chuyên gia cho rằng, khi thay đổi thời tiết, cường độ phân hủy các chất lắng đọng trong hồ càng lớn tạo nên lượng lớn các khí H2S, NH3, CH4 trong nước.

Ngoài ra, còn có phốt pho trong bùn cặn rất nhiều, khi phân hủy thành phốt pho hoạt tính, các loại tảo và các vi sinh vật rất dễ hấp thụ. Hồ Tây lại có nắng lớn và mặt nước rộng dẫn đến quá trình phú dưỡng do khi mưa một lượng lớn phốt pho ở bên dưới lại xâm nhập trở lại hồ Tây. Cả khí độc, cả phú dưỡng (làm oxy hòa tan trong nước thay đổi đột ngột – khiến các sinh vật sống trong nước như cá, tôm… gây hạn chế quá trình phát triển) khiến các sinh vật sốc và chết.

Được biết, theo Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ ngày 1/1/2017 đến nay, Sở Xây dựng quản lý các hồ trên địa bàn các quận nội thành (trong đó có Hồ Tây) và giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện quản lý, vận hành hồ.

Thời gian qua, UBND quận Tây Hồ thường xuyên chỉ đạo UBND các phường xung quanh hồ Tây tăng cường ra quân, thường xuyên phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố, Công ty Thoát nước Hà Nội trong việc xử lý các công trình xây dựng trái phép trên mái taluy hồ; thu vớt rác thải, xác cá chết trên hồ, đặc biệt trong các ngày lễ, tết, ngày 23 tháng Chạp hàng năm…

Theo Xí nghiệp Thoát nước số 1, đơn vị đã bố trí lực lượng kiểm tra liên tục quanh hồ, công nhân thực hiện vệ sinh hai ca trong ngày đến khi sạch cá chết. Cũng theo đơn vị này, cá chết chủ yếu là loại ăn nổi bị tảo độc gây chết, một tuần nay không thấy gia tăng khối lượng cá chết.

Dự báo, khi thời tiết ổn định, tảo xanh chìm hết, hiện tượng cá chết sẽ chấm dứt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cá lại chết trắng Hồ Tây, công nhân môi trường gồng mình dọn dẹp