Cà Mau: Đã tìm ra nguyên nhân cua biển nuôi chết bất thường

Giang Anh|26/03/2022 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 25-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết đã tìm được nguyên nhân cua nuôi của nhiều hộ dân trên địa bàn bị chết bất thường trên diện rộng.

Theo đó, cua trên địa bàn chết bất thường trong thời gian gần đây là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua… Tỉ lệ cua nhiễm bệnh lên đến 93,1%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cua.

Bên cạnh đó, vi khuẩn V. parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao >1.000 CFU/ml/(gram) là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua biển nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.

Cụ thể, mức độ thiệt hại đến thời điểm này tại huyện Đầm Dơi vào khoảng 16.606 ha/9.983 hộ, mức độ thiệt hại từ 10-70%; huyện Năm Căn khoảng 13.128 ha/4.386 hộ, mức độ thiệt hại 30-100%; huyện Cái Nước có mức độ thiệt hại khoảng 165,6ha/104 hộ; huyện Ngọc Hiển có khoảng 200 ha, ở 2 xã là Viên An Đông và Tân Ân Tây, mức độ thiệt hại 50-100%.

Thời gian gần đây cua biển nuôi của người dân tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển… xảy ra chết bất thường với mức độ thiệt hại từ 30 -100%. Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến cua nuôi bị chết.

Ảnh minh họa.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt.

Cụ thể, người dân cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh hiện nay; không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi và cải tạo vuông nuôi; sau khi cải tạo ao nuôi, người dân cần chọn con giống khỏe mạnh được ương dưỡng có kích cỡ tương đối lớn trước khi thả nuôi.

Ngành chuyên môn cũng lưu ý, nông dân nên thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều giống do không đủ thức ăn tự nhiên làm tôm, cua chậm lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi, đặc biệt làm tăng chi phí sản xuất.

Khi phát hiện cua chết nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi nóng hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực xung quanh; thường xuyên theo dõi, quan sát thủy sản nuôi nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc chết cần báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản hoặc thú y để phối hợp xử lý…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu phối hợp với đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời hướng dẫn khắc phục ổn định sản xuất.

Đồng thời, UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí nghiên cứu các giải pháp phòng, trị bệnh do ký sinh trùng (giáp xác chân tơ) gây ra trên cua nhằm giúp người dân nuôi cua giảm thiệt hại; đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu để sớm đưa ra giải pháp xử lý dịch bệnh trên cua hiện nay.

Giang Anh

Bài liên quan
  • Đề phòng thời tiết nắng nóng gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản
    Moitruong.net.vn – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) vừa phát đi văn bản cảnh báo nắng nóng và thời tiết giao mùa gây bất lợi trong nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cà Mau: Đã tìm ra nguyên nhân cua biển nuôi chết bất thường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.