Gương đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ nuôi heo rừng

Như Đồng|18/03/2022 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ hai bàn tay trắng, bằng nghị lực và ý chí vươn lên, anh Đinh Văn Ó (sinh 1972) dân tộc Hrê, thôn Gò Ra, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã trở thành chủ mô hình nuôi heo rừng cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, từ khi lấy vợ, sinh con cuộc sống của gia đình anh Ó chỉ trông vào diện tích ruộng, nương ít ỏi nên gặp rất nhiều thiếu thốn. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo sau nhiều đêm trăn trở, anh Ó quyết định đầu tư nuôi heo đen giống địa phương. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sơn Hà thông qua Tổ vay vốn của Đoàn thanh niên xã, anh vay 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống.

Mô hình nuôi heo rừng của gia đình anh Ó

Chịu khó học hỏi cách nuôi heo rừng từ những người đi trước và tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi bài bản, anh đã quyết tâm đầu tư. Từ số tiền có được ban đầu anh nuôi 2 con heo nái và đầu tư chuồng trại, trồng cây che bóng mát… Ngay từ lứa đầu tiên, đàn heo của anh phát triển tốt ngay cả khi nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Theo anh Ó, những năm qua trong khi người nuôi heo thịt lo lắng vì giá cả, thì nuôi heo rừng an tâm hơn vì chi phí nuôi thấp hơn, lại có thị trường tiêu thụ riêng, từ đó anh tiếp tục đầu tư và mở rộng chuồng nuôi để nhân đàn lên 5 con nái như hiện nay.

“Tôi thấy nuôi con heo rừng đỡ tốn công, tôi thường đi cắt rau và cho nó uống nước cám thêm. Mô hình này rất thích hợp với những hộ nghèo, cận nghèo vì chi phí đầu tư ban đầu thấp mà lại có lợi nhuận cao”, anh Ó bộc bạch.

Với sự năng động, ham học hỏi, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu các thông tin, kỹ thuật nuôi heo; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do xã tổ chức. Nhờ kiên trì, chịu khó, anh từng bước làm chủ kỹ thuật chăn nuôi heo nái sinh sản và tích lũy được kinh nghiệm để mở rộng quy mô chuồng nuôi. Tận dụng lợi thế diện tích vườn đồi rộng trên 3.000 mét vuông, gia đình anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, được chia làm 2 khu nuôi lợn nái sinh sản và nuôi lợn con sau khi tách mẹ. Trung bình hàng năm mỗi con heo mẹ sinh sản 02 lứa, mỗi lứa 10 con.

Heo rừng lai có điều kiện sống tốt nhất là ở môi trường tự nhiên, có khoảng sân vườn rộng rãi, cây cối

Heo thịt nuôi thời gian thì có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con đạt từ 15 đến 20 kg, giá bán mỗi con 1 triệu 500 ngàn đồng đến 1 triệu 700 ngàn đồng. Với việc nuôi theo hình thức bán chăn thả, chất lượng đảm bảo và tích cực giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, nên mô hình nuôi heo rừng lai của gia đình anh được nhiều người biết đến, có thời điểm anh không đủ hàng để bán. Từ mô hình nuôi heo rừng lai, đời sống kinh tế của gia đình anh ngày càng được nâng lên. Đến nay, gia đình anh đã chính thức thoát khỏi danh sách nghèo của địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, anh Ó cho biết: Đặc điểm của heo rừng lai vẫn mang đặc tính hoang dã nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh. Heo rừng lai có thể nuôi nhốt như heo thuần nhưng điều kiện sống tốt nhất là ở môi trường tự nhiên, có khoảng sân vườn rộng rãi, cây cối, nền đất cho heo đào xới, đặc biệt phải cách xa khu dân cư, đường giao thông vì heo rất sợ tiếng ồn…. Ngoài thức ăn tinh là cám, gạo, người nuôi có thể tận dụng tối đa các nguồn thức ăn từ tự nhiên sẵn có ở địa phương như các loại rau củ quả, khoai lang, bắp khô, thân cây chuối và các phụ phẩm khác nên tiết kiệm được chi phí đầu tư rất nhiều so với cách nuôi truyền thống.

Ông Lê Thanh Tùng – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hà cho biết: “Anh Ó đã thực hiện nguồn vốn vay đúng mục đích phát triển kinh tế gia đình. Với thành công ban đầu, mô hình nuôi heo rừng của vợ chồng anh được xem là một bước phát triển chăn nuôi đột phá, thay đổi tư duy chăn nuôi của người dân ở địa phương”.

Như Đồng

Bài liên quan
  • Bình Định: Trang trại heo “khủng” xả thải gây ô nhiễm môi trường
    Moitruong.net.vn – Gần 2 năm trở lại đây, người dân tại thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định bức xúc về việc trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty TNHH Thiết bị Phú Hưng xả nước bẩn ra môi trường. Nước thải có màu đen, mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gương đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ nuôi heo rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.