(Moitruong.net.vn) – Nhận thấy nuôi lợn rừng đơn giản, vừa là “của hiếm”, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Liêm Tiến (xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã mạnh dạn đầu tư. Sau 3 năm phát triển chăn nuôi, từ một người ngư dân nghèo, giờ đây chị đã sở hữu một trang trại lợn rừng trong mơ, với tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Từ ước mơ thoát nghèo…
Đến với mảnh đất nghèo khó xã Thủy Ngư Nam, hỏi trang trại lợn rừng là người dân địa phương chỉ ngay đến nhà chị Nguyễn Thị Huy – chủ sở hữu gần trăm con lợn rừng.
Trước đây gia đình chị Huy sống bằng nghề đi biển, công việc cũng chỉ đủ ăn đủ mặc. Thế nhưng, từ khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt do Formosa gây ra, những người ngư dân như chị đều trở nên trắng tay, không biết làm nghề gì để sinh sống. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tìm hiểu những thông tin từ báo đài, internet, chị Huy nhận thấy mô hình trang trại nuôi lợn rừng không chỉ đơn giản mà còn đem lại giá trị kinh tế cao. Nghĩ là làm, chị liền bỏ hết số vốn tích góp được và vay mượn thêm để xây dựng kế hoạch thoát nghèo của mình.
Năm 2014, trên diện tích hơn 200m2 đất cát, chị mạnh dạn đầu tư gần 70 triệu đồng để tiến hành xây dựng hệ thống chuồng nuôi, xung quanh giăng hơn 1 tấn lưới B40. Sau khi tìm hiểu kĩ kỹ thuật chăn nuôi từ nhiều kênh thông tin khác nhau, chị tiếp tục đầu tư hơn 20 triệu đồng mua 8 con lợn giống (gồm 7 con cái và 1 con đực).
Dựa theo đặc tính của lợn rừng, chị Huy quyết định chăn nuôi theo hình thức nuôi thả bán hoang dã với nguồn thức ăn hoàn toàn từ rau cỏ tự nhiên, cám gạo, khoai, sắn và bột ghẹ biển khô, không sử dụng thức ăn công nghiệp và bột tăng trọng…
Lúc khởi đầu chị Huy cảm thấy lo lắng bởi chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu về đặc tính của lợn rừng. Nhưng bằng sự chịu khó, ham học hỏi, chị tự lên mạng tìm hiểu thông tin về các phương pháp chăm sóc lợn rừng, để từ đó đưa ra được cách chăn nuôi phù hợp với điều kiện của mình. Hàng ngày, chị tích cực dọn dẹp vệ sinh, tạo chỗ tắm nắng, ăn, ngủ và lót ổ cho heo đẻ. Đồng thời, chị tiến hành khử trùng chuồng trại theo định kỳ, thực hiện tiêm các loại vắc xin cho đàn heo, như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả… Nhờ đó, sau thời gian gần 1 năm, chị đã bắt đầu xuất bán lứa đầu tiên.
Nuôi lợn rừng giúp gia đình chị Huy có cuộc sống ổn định hơn
Đến sở hữu trang trại hàng trăm triệu
Nuôi lợn bản được xem là mô hình làm giàu có chi phí thấp nhưng mang lại lợi nhuận kinh tế cao, nhanh thu hồi vốn. Với lợi thế về địa bàn chăn nuôi có mặt bằng chăn thả, điều kiện nuôi phù hợp, giống lợn đưa từ rừng về rất thuần, phát triển nhanh, có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt, ít khi bị bệnh. Từ đó, chị đã quyết định mở rộng thêm quy mô chăn nuôi. Từ chỗ nuôi chủ yếu để cung cấp con giống, chị đầu tư thêm nuôi lợn rừng lấy thịt cung cấp cho các quán ăn và nhà hàng trên địa bàn.
Chị Huy cho biết, hiện đàn lợn của chị rất khỏe mạnh, tổng cộng gần 40 con, mỗi con heo rừng nái trung bình đẻ 2 lứa một năm, mỗi lứa cho ra 6 đến 8 con lợn con, sau khoảng hơn 1 tháng sẽ xuất bán con giống. Mỗi năm chị cho xuất chuồng khoảng gần 200 con lợn thịt và lợn giống, giá lợn thịt bán trung bình khoảng 120.000 – 150.000 đồng/kg, cao điểm nhất là các dịp lễ, Tết giá cao hơn rất nhiều so với bình thường. Nếu trừ chi phí chị thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng/năm, nhờ đó nguồn thu nhập của gia đình được cải thiện hơn nhiều.
Nói về kinh nghiệm nuôi lợn rừng, chị Huy cho hay giống lợn này nuôi không quá khó, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Thức ăn cho lợn cũng đơn giản sẵn có trong tự nhiên như: rau, bèo, bẹ chuối, cỏ, cám, bắp… nên chi phí chăn nuôi thấp hơn lợn ta rất nhiều. Tuy nhiên vẫn phải lưu ý tiêm phòng tẩy giun sán định kỳ cho lợn.
Chỉ tay về đàn lợn, chị Huy tâm sự: “Nuôi lợn rừng đơn giản hơn so với nuôi lợn ta. Thế nhưng, người nuôi phải có tính cần cù, nhẫn nại vì thời gian để cho ra lứa heo rừng đầu tiên là rất dài. Ban đầu, sau một khoảng thời gian tôi cũng định bỏ cuộc vì gần một năm mà vẫn chưa bán được heo, vốn thì đã cạn kiệt, chẳng biết lấy gì để trang trải cuộc sống. Với sự động viên của gia đình cùng với ước mơ còn dang dở, tôi đã quyết tâm và tích cực chăm sóc đàn heo, sau hơn 1 năm tôi đã bắt đầu nhận được thành quả của chính mình”.
Đàn lợn rừng của chị Huy được thả rông trên cát
“Khi bán lứa lợn rừng đầu tiên tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì công sức bỏ ra giờ đã thu lại được. Thấy mô hình nuôi lợn rừng của mình còn nhỏ, tôi đã quyết định nhân giống nhiều hơn và đầu tư xây thêm chuồng trại. Bây giờ gia đình tôi đã có trang trại lợn rừng cả trăm triệu đồng nên cuộc sống cũng đang dần dần ổn định hơn” – chị Huy chia sẻ thêm.
Nhận thấy mô hình nuôi lợn rừng trên đất cát theo hộ gia đình của chị Huy mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, nhiều gia đình trên địa bàn xã Ngư Thủy Nam đã tìm hiểu, học hỏi, đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, mua con giống để chăn nuôi. Bằng những kinh nghiệm đã có của mình chị Huy cũng không ngần ngại chia sẻ, giúp đỡ bà con láng giềng để cùng nhau thoát khỏi cái nghèo.
Hiện, toàn xã Ngư Thủy Nam đã có thêm khoảng 4 – 5 hộ phát triển mô hình này, tất cả đều mang lại kết quả khả quan. Chăn nuôi lợn rừng ngoài việc đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định còn góp phần tạo việc làm tại chỗ cho lao động gia đình. Bên cạnh đó, lượng chất thải từ đàn lợn cũng cung cấp một lượng phân bón đáng kể cho trồng trọt. Mô hình chăn nuôi này đã và đang từng bước giúp phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, tạo một hướng đi mới trong chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn.
Chị Huy cho biết, sắp tới chị có dự định sẽ mở rộng thêm trang trại để nuôi thêm nhiều lợn rừng hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, để đầu tư trang trại lớn hơn cần phải có thêm vốn, nên chị mong muốn được chính quyền địa phương quan tâm, có chính sách hỗ trợ vốn vay để hỗ trợ gia đình chị cũng như các hộ dân khác trên địa bàn có thể mạnh dạn đầu tư làm ăn hơn nữa.
Chia sẻ về mô hình này, anh Nguyễn Viết Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam cho hay, mô hình nuôi lợn rừng trên cát của chị Nguyễn Thị Huy là mô hình phát triển kinh tế hay và đạt được hiệu quả cao. Vài năm gần đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã tìm đến mô hình này để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, kết quả đem về tính đến thời điểm hiện tại rất khả quan và đang có tín hiệu tích cực.
“Mô hình nuôi lợn rừng trên cát rất được các cấp chính quyền quan tâm. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng đã về thăm các mô hình nuôi lợn rừng có trên địa bàn xã. Qua khảo sát, Sở đánh giá rất cao về mô hình chăn nuôi mới này của chị Huy. Hiện, Sở cũng dự định sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho những hộ dân trong xã để tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình này” – ông Hiếu chia sẻ thêm.
https://gaixinh.photo/
https://anhgaisexy.net/
Duy Ninh