Cà Mau: Khắc phục sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu

Hà An (T/h)|12/10/2018 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MOITRUONG.NET.VNTỉnh Cà Mau với ba mặt giáp biển rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên do tác động của biến đổi khí hậu, và hoạt động của con người, nhiều dải đất ven sông, biển đã bị xói lở nghiêm trọng đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân vùng đất mũi.

>>>Nguy cơ sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng do biến đổi khí hậu

>>> Triều cường và lũ sẽ xuống trong ba ngày tới ở ĐBSCL

Sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Cà Mau

Ngày 11/10, Đoàn công tác Trung ương do ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn, đã khảo sát thực tế một số địa điểm chịu tác động của biến đổi khí hậu tại tỉnh Cà Mau.

Đoàn công tác đã khảo sát thực tế đoạn từ cống Hương Mai đến cống Tiểu Dừa thuộc huyện U Minh (Cà Mau). Đây là đoạn đê xung yếu đang chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu, dẫn đến việc đai rừng phòng hộ hầu như không còn do tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện nay, khu vực đang bị xâm thực và đoạn kênh Giồng Cát cách cống Hương Mai khoảng 3,5 km hướng về cống Tiểu Dừa thuộc huyện U Minh, với chiều dài sạt lở 8,5 km cần được xử lý khẩn cấp.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương đầu tư 240 tỷ đồng từ Chương trình dự án biến đổi khí hậu để khắc phục sạt lở bờ biển, bảo vệ an toàn tuyến đê biển Tây của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, đầu tư xây dựng được 6,5 km kè gây bồi tạo bãi trồng rừng bảo vệ đê biển Tây với gần 20 tỷ đồng/km. Nhờ cải tiến công nghệ, cấu kiện kè biển, rút ngắn thời gian trong quá trình thi công nên giá thành đầu tư xây dựng kè giảm khoảng 30% so với trước đây. Giải pháp này vừa ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, vừa phục hồi diện tích rừng phòng hộ đã mất đi do sạt lở gây ra.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam, đến năm 2050 có khoảng 76% và đến năm 2100 có khoảng 95% diện tích tỉnh Cà Mau có nguy cơ bị ngập nếu như không có các giải pháp, biện pháp hữu hiệu để hạn chế, thích ứng.

Hà An (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Khắc phục sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu