Cà Mau: Khoảng 40% hộ dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông sản sạch

Yến Anh (T/h)|10/04/2018 04:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trước tình trạng sản xuất nông sản tại tỉnh Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, Sở NN&PTNT Cà Mau đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân áp dụng một số giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực này.

Cà Mau phát triển biện pháp trồng nông sản sạch – Ảnh: TTXVN

Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau đã thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ dân áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, qua đó hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí sản xuất và bảo vệ thiên địch có ích trên đồng ruộng.

Bên canh đó, trong quá trình canh tác lúa, trồng rau màu và cây ăn trái, nhiều hộ dân ở Cà Mau được khuyến cáo áp dụng nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Đặc biệt là không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm hoặc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Nhờ thường xuyên tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức và nắm vững quy trình kỹ thuật trồng trọt nên đã giúp nhiều hộ dân ở Cà Mau nhận thấy rõ về tác hại, hậu quả từ việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón quá mức cần thiết.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 40% hộ dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông sản sạch theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong sản xuất, thời gian qua Cà Mau có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong liên kết chuỗi giá trị.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có nhiều chính sách ưu đãi về tiền thuê đất. Cụ thể, nếu dự án đầu tư trên địa bàn huyện, đảo sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản (không quá 3 năm) và 11 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động.

Trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm. Đồng thời, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác về giá cho thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ về đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại…

Không chỉ vậy, tỉnh còn có bản cam kết với nhà đầu tư trong quá trình đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh như cung cấp điện 24/24; chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, hệ thống điện đến hàng rào khu công nghiệp, dự án; hỗ trợ đào tạo nguồn lao động và cung cấp lao động có kỹ thuật…

Yến Anh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Khoảng 40% hộ dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông sản sạch