Tiếp tục sắp xếp lại các hội quần chúng thuộc Mặt trận Tổ quốc thật tinh gọn
Sáng 9/7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tư khóa X.
Trình bày định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận năm 2026, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam định hướng 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung triển khai một số nội dung như tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân; quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
.png)
"Vận hành tổ chức bộ máy Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; rà soát, sắp xếp lại tổ chức đầu mối bên trong trực thuộc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Tiếp tục rà soát sắp xếp lại các hội quần chúng thật tinh gọn, giảm số lượng các hội quần chúng và báo chí trực thuộc", bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai công tác tham gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031, Đại hội đại biểu toàn quốc của các tổ chức chính trị - xã hội nhiệm kỳ 2026-2031…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, trên cơ sở triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến chỉ tiêu năm 2026 gồm 9 nhóm chỉ tiêu.
Cụ thể như: hằng quý, 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên có báo cáo phản ánh kịp thời tình hình Nhân dân và đề xuất giải pháp, hướng giải quyết; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện ít nhất 3 chương trình, nội dung giám sát phạm vi toàn quốc, mỗi tổ chức chính trị - xã hội tổ chức ít nhất 2 chương trình, nội dung giám sát phạm vi toàn quốc…
Thông tin về các nội dung cơ bản của dự thảo đề án tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, được tiến hành ngay sau khi thực hiện chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đây cũng là dấu mốc đặc biệt khi đã hợp nhất, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Về công tác nhân sự Đại hội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, xây dựng Ủy ban MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới thực sự là trung tâm của khối đại đoàn kết, có tư duy đổi mới và năng lực tổ chức thực hiện; bảo đảm kế thừa và phát triển; có cơ cấu, tỷ lệ phù hợp người ngoài Đảng, người dân tộc, tôn giáo, trí thức, văn nghệ sỹ, nhà khoa học, doanh nhân, cá nhân tiêu biểu trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài...
Trên cơ sở kế thừa số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hiện nay và yêu cầu thực tiễn, mở rộng và nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031, dự kiến có 500 ủy viên; Đoàn Chủ tịch có 100 người.
"Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 5/2026 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Số lượng đại biểu dự Đại hội nhiệm kỳ 2026-2031 bằng số lượng đại biểu dự Đại hội của nhiệm kỳ 2024-2029", bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.