Cà phê trộn lõi pin: “Cú tát” mạnh cho ngành cà phê Việt Nam

Minh Ngọc|29/04/2018 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)Việc một xưởng sản xuất phế phẩm càphê bằng pin Con Ó được phát hiện tại tỉnh Đắk Nông đã gây chấn động dư luận cả nước. Hiện nay vẫn chưa rõ số lượng chính xác cà phê trộn pin đã đem đi tiêu thụ và mức xử phạt đối với chủ cơ sở sản xuất. Nhưng một điều chắc chắn rằng sau vụ việc này, ngành cà phê Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Lực lượng chức năng tại cơ sở sản xuất cà phê trộn lõi pin

“Cú tát” mạnh vào ngành cà phê Việt

Ngay tại địa bàn nổi tiếng không chỉ trên cả nước mà cả thế giới về cà phê mà lại có hành vi chế  biến, sản xuất các sản phẩm cà phê bằng các nguyên liệu rất độc hại cho con người. Cả cơ quan, bộ ngành cũng như giới luật sư đều phẫn nộ trước hành vi này. Thậm chí, có vị luật sư còn nhấn mạnh: Hành vi vô nhân tính của chủ cơ sở đã “gián tiếp giết người hàng loạt”.

Bộ NN&PTNT đã đề nghị tỉnh Đắk Nông có động thái xử lý, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê của Việt Nam sau khi Công an phát hiện xưởng sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú thôn 13, xã Đắk Wer,  huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) sản xuất nguyên liệu cà phê từ phế phẩm trộn bột than pin Con Ó. Vụ việc này đã được truyền thông rộng rãi trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận. Với tâm lý đó, không ít người tiêu dùng đã có ý định tẩy chay đồ uống cà phê ưa thích.

Thực tế, vấn nạn cà phê bẩn đã hoành hành ở Việt Nam từ lâu. Những năm gần đây, thi thoảng cơ quan chức năng lại “khui” ra vụ ở nơi này, nơi kia sản xuất cà phê bẩn. Câu chuyện điển hình thường thấy là nhiều cơ sở dùng ngô và đậu nành tẩm ướp hóa chất, sau đó rang, xay khét đen trong điều kiện sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Đáng chú ý, cà phê sau đó đều được gắn mác là cà phê nguyên chất, hảo hạng.

Trước đó, vào cuối năm 2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp với lực lượng chức năng của thị xã Ngã Bảy kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cà phê ở xã Đại Thành do Nguyễn Văn Muốn Em (29 tuổi) làm chủ. Ngoài việc không giấy phép sản xuất kinh doanh, cơ sở này còn có dấu hiệu làm giả thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột. Theo đó, vào thời điểm kiểm tra, Muốn Em đang cho nhân viên trộn hương liệu vào 180kg cà phê và đậu nành. Cạnh bếp rang còn có 12kg bao bì nhãn hiệu cà phê Buôn Mê Thuột cùng nhiều hóa chất, hương liệu để sản xuất cà phê. Các công nhân khai nhận, ngoài 120kg cà phê, 60kg đậu nành này dùng để sản xuất cà phê sau khi rang cháy đen, chúng sẽ được trộn với ít cà phê và hương liệu rồi xay để bán.

Không chỉ vậy, theo khảo sát cuối năm 2016 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng cho thấy: Gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng cafein rất thấp (dưới 1gr/lít), đặc biệt đáng báo động có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa cafein. Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căng tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Trần Thanh Nam, cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch trong năm 2017 đã đạt 3,2 tỷ USD. Ngay trong quý I năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD. Bộ NN&PTNT coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Ở Việt Nam có rất nhiều quán cà phê cóc – các quán cà phê gần như không ai đăng ký chất lượng. Những cốc cà phê tại các quán này giá rất rẻ và nhiều khi không tìm thấy chất cà phê. Điều này cho thấy công tác quản lý đang bị buông lỏng dẫn đến nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhưng sự việc cơ sở chế biến cà phê ở Đăk Nông trộn lõi pin vào cà phê là hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đồng thời đánh mạnh vào thương hiệu cà phê Việt và gây nên làn sóng hoang mang trong tiêu dùng.

Cẩn trọng cho thương hiệu của địa phương và quốc gia

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Trần Thanh Nam cho biết: “Trong khi toàn ngành hàng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, vẫn có những đơn vị vì lợi nhuận nên cố tình vi phạm. Cà phê trộn lõi pin dù chỉ là hạt cát, cá biệt trên thị trường, nhưng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê Việt Nam”.

Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp Hội cà phê Việt Nam (VICOFA) bày tỏ rằng, đối với sản phẩm cà phê tiêu dùng phụ thuộc vào hương vị, hương vị lại phụ thuộc cách pha trộn mà cách pha trộn người sản xuất phải đăng ký với cơ quan kiểm định chất lượng của nước sở tại. Vì vậy không thể có quy chuẩn chung nào theo quy chuẩn đã được đăng ký giữa nhà sản xuất và cơ quan quản lý chất lượng. Mặc dù chỉ mang tính cá biệt trên thị trường, vụ việc cà phê trộn lõi pin đã ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng và thương hiệu cà phê Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Phát triển thương hiệu là một quá trình hết sức gian nan nhưng nhiều doanh nghiệp lại đang phá hủy hình ảnh xây dựng trong nhiều năm và đánh mất niềm tin của công chúng.

Chưa thể đong đếm hết những thiệt hại cụ thể ảnh hưởng lên thị trường cà phê sau vụ việc 3 tấn cà phê bẩn ở Đắk Nông. Tuy nhiên, hành trình để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng sau vụ việc này sẽ tiếp tục nhọc nhằn với những người làm cà phê chân chính. Bởi thông tin vụ cà phê bẩn diễn ra ngay tại tỉnh Đắk Nông đang khiến cho các đơn hàng của nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn này có dấu hiệu suy giảm. Nhìn từ câu chuyện này, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã chỉ ra không ít những thách thức không chỉ trong việc xây dựng mà còn duy trì được thương hiệu của các doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu Việt Nam nói chung.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông – Ngô Xuân Lộc khẳng định: Đắk Nông rất cẩn trọng, bởi lẽ, nếu kết luận cà phê pin là thức uống thì thương hiệu cà phê của Đắk Nông sẽ sụp đổ, kéo theo hàng loạt hệ lụy về kinh tế của tỉnh này. Không chỉ giảm sản lượng, nhiều doanh nghiệp còn lo ngại khi đi chào hàng sau này, hễ nghe tên cà phê tại Đắk Nông là có nguy cơ bị tẩy chay.

Sau sự việc này, ngành cà phê Việt Nam cần có giải pháp để có thể ổn định thị trường và giữ vững thương hiệu cà phê Việt. Để làm chất lượng đúng phải xây dựng thương hiệu tốt, doanh nghiệp bán hàng cũng phải đảm bảo uy tín chất lượng đó. Cần phải xây dựng quy chuẩn thương hiệu cà phê Việt Nam chung để làm công cụ so sánh trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa và đảm bảo tính chuẩn mực của cà phê Việt Nam.

Để bảo vệ người tiêu dùng nội địa cũng như để những nỗ lực xây dựng, quảng bá thương hiệu ngành hàng cà phê không “đổ xuống sông xuống biển”, có lẽ đã đến lúc cần có những trừng phạt mạnh mẽ, nghiêm khắc hơn trong “cuộc chiến” xóa sổ cà phê bẩn.

Minh Ngọc


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cà phê trộn lõi pin: “Cú tát” mạnh cho ngành cà phê Việt Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.