Bộ Nông nghiệp và Môi trường huy động hàng trăm cán bộ phối hợp với các địa phương ứng phó bão Wipha
Trước dự báo về cơn bão Wipha, các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương triển khai giải pháp, đưa nhân lực đến các địa bàn trọng điểm, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự kiến sẽ huy động hàng trăm cán bộ phối hợp với các địa phương từ tối 21/7 - thời điểm bão Wipha có khả năng đổ bộ; trong đó sẽ tiến hành khoanh vùng diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng và có phương án ứng phó cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực tiêu úng; kịp thời phối hợp với địa phương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước theo tình hình thực tế.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công điện số 4498/CĐ-BNNMT ngày 17/7/2025 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk và các Bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.

Trong ngày 18/7, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã yêu cầu lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa phối hợp tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú; hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn.
Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã có Công điện số 2419/CĐ-CHCN ngày 17/7/2025 chỉ đạo các lực lượng quân đội sẵn sàng ứng phó với bão.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, cho biết tính đến 11h ngày 18/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 35.183 phương tiện/147.336 lao động, trong đó 790 phương tiện/4.160 lao động đang hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện hoạt động tại phía Đông Bắc khu vực Bắc biển Đông (khu vực ảnh hưởng của bão).
Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có công hàm gửi các nước trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho tàu thuyền vào tránh trú và hỗ trợ khi có tai nạn, sự cố.
Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đăk Lắk chủ động triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ theo công điện của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (13 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo). Chính quyền địa phương được yêu cầu rà soát, chuẩn bị sẵn phương án sơ tán dân tại vùng có nguy cơ cao ngập lụt, sạt lở đất, đặc biệt tại các xã miền núi, ven sông, cửa biển. Các đô thị như Hà Nội, Thái Nguyên được yêu cầu lên kịch bản chống ngập úng và bảo vệ hạ tầng trọng yếu.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tăng cường công tác trực ban 24/24h; tham mưu chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão; tổ chức gửi tin nhắn Zalo cảnh báo về áp thấp nhiệt đới, bão và hướng dẫn kỹ năng an toàn cho tàu thuyền trên biển và ứng phó với mưa lũ đến 35 triệu người dùng khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật, phát các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo cho người dân.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thông tin, sáng sớm nay 19/7, bão Wipha ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Trong ngày hôm nay, bão Wipha di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km/h và đi vào Biển Đông và mạnh thêm. Đến rạng sáng mai, vị trí tâm bão Wipha ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc-117,1 độ Kinh Đông; trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông; cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 760 km về phía Đông. Cường độ bão khi này mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Theo dự báo xa, trong vài ngày tới, sau khi vượt qua bán đảo Lôi Châu, bão Wipha sẽ đi vào Vịnh Bắc bộ. Cường độ cực đại của bão khi ở khu vực bán đảo Lô Châu vào khoảng cấp 12, giật cấp 14. Tuy nhiên, sau khi vượt qua đảo Lôi Châu, bão Wipha sẽ suy yếu dần, khi vào Vịnh Bắc bộ mạnh cấp 10, giật cấp 13. Đáng nói, bão Wipha được dự báo sẽ đổ bộ thẳng vào khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; sóng biển cao 3,0-5,0m. Biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.