Người Arhuaco trồng cây bản địa trong một vườn ươm ở Sierra Nevada de Santa Marta- Ảnh: Cục lưu trữ Bộ Môi trường Colombia
Sierra Nevada de Santa Marta là một trong những khu vực tự nhiên tiêu biểu nhất ở Colombia. Nơi đây cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng mà một bộ phận chính của cư dân vùng Caribe Colombia phụ thuộc vào nó. Vùng đất này còn là ngôi nhà của bốn bộ tộc bản địa liên quan tới nhau và có nền văn hóa lâu đời, bao gồm Koguis, Arhuacos, Wiwas và Kankuamo. Các bộ tộc là những người duy trì mối quan hệ truyền thống với các khu bảo tồn.
Đối với những dân tộc thiểu số này, Sierra Nevada (ngọn núi cao nhất ở Colombia, với đỉnh cao nhất trên 5.000m), là một không gian linh thiêng, không chỉ đảm bảo cho sự tồn tại hàng trăm năm, mà theo tín ngưỡng của họ, đó là trung tâm của Vũ trụ. Vì lý do này, theo những người dân tộc thiểu số, việc chăm sóc Sierra Nevada là điều cần thiết để duy trì sự cân bằng của toàn bộ vũ trụ, và do đó đảm bảo sự tồn tại của loài người.
Chính phủ Colombia, cùng với Chương trình vì Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), và chính quyền địa phương của một trong bốn dân tộc này, bộ tộc Arhuacos, đã cam kết thực hiện một dự án để trồng 700.000 cây bản địa.
Đây là dự án Müse’si, được ra đời từ một thỏa thuận do Bộ Môi trường và Quỹ Bảo tồn Quốc tế ký kết, bao gồm bốn hợp phần: Kiến thức, được thực hiện thông qua các hội thảo xã hội hóa và thỏa thuận với cộng đồng; trùng tu, với việc xây dựng 445 vườn ươm gia đình và Vườn ươm cộng đồng Gunmaku; trao đổi năng lực, với việc đào tạo các thành viên cộng đồng trong việc xây dựng và vận hành vườn ươm, nhân giống, trồng và giám sát vật liệu từ thực vật, và các công cụ kinh tế, đề cập đến việc định lượng, phân tích và kết quả thu giữ CO2 thông qua các hành động của sáng kiến nêu trên. Và để đảm bảo sự ổn định của quá trình này, cộng đồng Arhuacos sẽ thực hiện ba lần bảo dưỡng cho 700.000 cây trồng.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Colombia nhấn mạnh rằng: “Tất cả các bước chúng tôi đã làm đều được thực hiện cùng với người dân trong cộng đồng, tôn trọng truyền thống và văn hóa của họ. Điều này tạo cho cộng đồng bản địa cảm giác làm chủ và cải thiện cơ hội phát triển bền vững lâu dài của chương trình trồng cây. Ngoài ra, điều này góp phần tái kích hoạt nền kinh tế của đất nước, bao gồm nguồn lực sẽ đến trực tiếp với cộng đồng bản địa.”
Quang Mạnh