Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam góp phần thúc đẩy cộng đồng phát triển sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thông qua việc sử dụng nhãn sinh thái, ưu tiên những sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm không sử dụng túi nilon hay đồ nhựa.
Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đi đầu trong phong trào nói không với túi nilon
Việt Nam có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận như Cát Bà, Đồng Nai,… Các Khu dự trữ sinh quyển thể giới, Khu bảo tồn biển tại Việt Nam là những khu vực tiên phong thực hiện phong trào sống xanh, nói không với rác thải nhựa.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu của Chương trình Con người và Sinh quyển, thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp quốc (UNESCO) về mô hình phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Tại Việt Nam, việc hình thành và phát triển các Khu dự trữ sinh quyển thế giới góp phần quan trọng cụ thể hóa Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chiến lược là thu gom và xử lý chất thải rắn, trong đó có rác thải nhựa.
Các Khu dự trữ sinh quyển đều sở hữu cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, đi kèm đó là tính đa dạng sinh học cao, nên việc phát triển du lịch là điều tất yếu, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, do lượng khách du lịch tăng cao, một số Khu dự trữ sinh quyển đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Vì vậy, với vai trò, sứ mệnh của mình, các Khu dự trữ sinh quyển thế giới cần là hình mẫu về tiết giảm, hướng tới nói không với rác thải nhựa.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm–Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước “nói không” với túi nilon
Trong cơ cấu Ban quản lý các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam bao gồm các thành viên thuộc ngành tài nguyên và môi trường, đây là cơ quan có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy quản lý, hạn chế rác thải nhựa.
Các thành viên này có nhiệm vụ tăng cường quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa thông qua việc cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án tăng cường Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.
Đồng thời, các thành viên ngành tài nguyên và môi trường trong cơ cấu các ban quản lý, thông qua việc phối hợp với các ngành liên quan để tuyên truyền tác hại của rác thải nhựa tới hệ sinh thái, sức khỏe con người; khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi nilon, sử dụng túi nilon phân hủy sinh học, phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Lê Mai (T/h)