Các ngôi sao phát nổ làm thời tiết mát hơn

11/01/2018 07:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Các ion có nguồn gốc từ những ngôi sao phát nổ trong vũ trụ tạo ra nhiều mây, khiến khí hậu trên trái đất mát mẻ hơn.

Các tia vũ trụ được tạo ra từ một vụ nổ siêu tân tinh khổng lồ

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Đan Mạch phát hiện các ion có nguồn gốc từ những ngôi sao phát nổ trong vũ trụ (vụ nổ siêu tân tinh) khi xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái Đất sẽ kích thích quá trình hình thành mây. Mây được tạo ra nhiều hơn sẽ khiến khí hậu trở nên mát hơn, gây ra tác động lớn đến thời tiết dài hạn. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 12/2017.

Nhà nghiên cứu Henrik Svensmark cho biết: “Cuối cùng, chúng ta có thể giải thích các hạt từ không gian ảnh hưởng đến khí hậu trên trái đất như thế nào. Tất cả cho thấy sự thay đổi do hoạt động của mặt trời hoặc bởi hoạt động từ các sao nổ trên không gian có thể làm thay đổi khí hậu Trái đất”.
Các nhà khoa học cho rằng, tia vũ trụ kết hợp với hoạt động của Mặt Trời có liên quan đến Thời kỳ Ấm áp Trung cổ (Medieval Warm Period) vào năm 1000 sau Công nguyên, và giai đoạn lạnh từ thế kỷ 13 – 19 trong Kỷ băng hà nhỏ (Little Ice Age), khiến dòng sông Thames (Anh) thường xuyên bị đóng băng trong suốt mùa đông.
Nhóm nghiên cứu tiến hành 2 năm quan sát ảnh hưởng của tia vũ trụ đến bầu khí quyển mô phỏng của Trái Đất bên trong buồng mây (cloud chamber) – một phòng thí nghiệm kín mô phỏng áp suất và độ ẩm của tầng cao khí quyển. Họ phát hiện các hạt mang năng lượng cao có nguồn gốc từ các ngôi sao phát nổ đánh bật electron của các phân tử không khí để tạo ra ion (hạt tích điện dương hoặc âm).
Các hạt tích điện sẽ hút những phân tử nước và axit sulfuric lại với nhau để hình thành cụm phân tử không bị bay hơi. Quá trình này được gọi là sự hình thành hạt nhân ngưng tụ (nucleation). Khi các cụm phân tử lớn lên, chúng sẽ hút nhiều nước hơn để hình thành những đám mây.
Thanh Lâm (t/h)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các ngôi sao phát nổ làm thời tiết mát hơn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.