Các sở, ngành TP.HCM ủng hộ thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trợ giá

Nguyên Bình|14/01/2021 05:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Qua tổng hợp ý kiến đóng góp, hầu hết các sở, ngành tại TP.HCM đều ủng hộ chủ trương mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện thân thiện với môi trường.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh đồng ý cho tập đoàn Vingroup thí điểm triển khai 5 tuyến xe buýt điện.

Theo đó, 5 tuyến dự kiến triển khai gồm: Tuyến VB01 (VinHome Grand Park – Trung tâm thương mại Emart) dài 27km; tuyến VB02 (VinHome Grand Park – Sân bay Tân Sơn Nhất) dài 30km; tuyến VB03 (VinHome Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) dài 29km; tuyến VB04 (VinHome Grand Park – Bến xe Miền Đông mới) dài 8,5km; tuyến VB05 (Bến xe Miền Đông mới – Khu đô thị Đại học Quốc Gia ) dài 10km.

Các tuyến trên sử dụng xe điện thân thiện với môi trường và có sức chứa từ 65 – 70 chỗ. Trước mắt, dự kiến công ty sẽ đầu tư đưa vào sử dụng 77 xe. Tuyến VB01, VB02, VB03 có giá vé là 7.000 đồng/khách thường và 3.000 đồng/học sinh, sinh viên; vé tháng là 157.500 đồng/tập 30 vé. Còn đối với các tuyến VB04, VB05 giá vé là 5.000 đồng/khách thường và 3.000 đồng/lượt học sinh, sinh viên; vé tháng là 112.500 đồng/tập 30 vé.

Xe buýt điện nếu đi vào hoạt động góp phần giảm ô nhiễm môi trường

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, việc mở 5 tuyến xe buýt điện để kết nối giữa dự án Vinhomes Grand Park, quận 9 với các điểm đến trên địa bàn TP là phù hợp với danh mục mạng lưới tuyến xe buýt ở TP.HCM.

Sở Giao thông vận tải cho biết việc đặt điểm đầu – cuối tuyến xe buýt điện phần lớn nằm trong khu đô thị Vinhomes Grand Park thuận lợi về việc bố trí bãi đỗ xe và khu vực bảo dưỡng sửa chữa và trạm sạc điện. Chi phí đầu tư xây dựng bãi đỗ, trạm sạc điện… do chủ đầu tư thực hiện.

“Hiện nay, phần lớn xe buýt đang hoạt động ở TP sử dụng dầu diezel phải đạt tiêu chuẩn khí thải từ mức Euro 4 trở lên và một số xe sử dụng nhiên liệu khí CNG. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, triển khai phát triển loại xe buýt điện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được Chính phủ và các bộ tháo gỡ” – Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết.

Theo đề xuất, các xe buýt điện trên có trợ giá trong thời gian 12 tháng kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động. Tỉ lệ trợ giá bằng 44% chi phí hoạt động. Dự kiến, TP. Hồ Chí Minh sẽ chi khoảng 53 tỉ đồng cho các tuyến xe buýt điện này trong thời gian thí điểm.

Trước đó, năm 2019, Vingroup công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng theo mô hình phi lợi nhuận.

100% lợi nhuận thu được sẽ được công ty tái đầu tư nhằm phát triển hệ thống, mở rộng địa bàn và cải thiện chất lượng dịch vụ, nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho các đô thị lớn của Việt Nam.

Ngày 16/10 vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và TP.HCM, đồng thuận với đề xuất vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện của Tập đoàn Vingroup.

 Nguyên Bình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các sở, ngành TP.HCM ủng hộ thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trợ giá