Cách làm sạch giếng nước sau mưa lũ

Theo LĐTĐ|02/08/2018 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Những ngày qua, mưa lũ đã khiến nhiều giếng nước sinh hoạt bị ngập sâu trong nước, gây ô nhiễm nặng. Vì vậy, ngay sau khi nước rút, người dân cần kịp thời triển khai khử khuẩn giếng nước, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh phát sinh sau lũ.

Ngay sau khi nước rút, người dân cần kịp thời triển khai khử khuẩn giếng nước

Về cách khử khuẩn nguồn nước giếng sau lũ, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Đối với giếng khơi, khi nước ngập rút hết, trước tiên người dân cần ưu tiên dọn vệ sinh toàn bộ khu vực giếng nước, loại trừ tất cả những nguồn nước đọng xung quanh giếng.

Lập tức bơm hoặc múc toàn bộ nước trong giếng, cho tới khi giếng cạn khô, sau đó, để một thời gian ngắn nước trong giếng sẽ tự rỉ ra. Lúc này nước đã tương đối sạch, người dân lấy nước giếng đó, dùng bơm hoặc gáo múc rửa vệ sinh toàn bộ thành giếng từ trên xuống dưới nhiều lần, chất bẩn bám trên thành giếng sẽ trôi xuống, sau đó bơm, múc nhanh phần nước đó bỏ đi. Tới hôm sau, khi nước giếng rỉ vào, người dân cần lập lại thao tác rửa từ trên thành giếng xuống dưới thêm một lần nữa.

Sau đó, lần thứ 3, người dân dùng Cloramin B pha theo đúng tỷ lệ quy định của Bộ y tế và đổ xuống giếng để khử trùng trong khoảng 1 ngày. Sau khi khử trùng xong thì bơm hết phần nước khử trùng đi. Khi nước giếng rỉ vào, lúc này người dân đã có thể sử dụng được nguồn nước.

“Cách thực hiện thau rửa giếng như vậy là một giải pháp cực kỳ tốt. Tuy nhiên, người dân phải tính tương đối chuẩn lượng nước trong giếng, pha thuốc khử trùng Cloramin B theo đúng tỷ lệ quy định để đủ nồng độ khử khuẩn”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, trong trường hợp nước giếng khoan, loại nước giếng này về cơ bản không bị ảnh hưởng, nhiễm bẩn do ngập lụt. Bởi thông thường, người ta khoan từ 30 – 40m, phần lấy nước nằm trong chiều sâu gọi là nằm trong lớp đất sét ở tầng thứ 2, thứ 3. Lúc này nước lũ sẽ không ngấm xuống được, do đó nước giếng khoan sau ngập người dân nên bơm đổ nước đi trong 1 khoảng thời gian nhất định, đề phòng có khả năng nước lũ ngập qua miệng ống tràn vào bên trong, khi bơm bỏ đi, giống như bỏ cặn đầu thì sau đó nước sẽ dùng được bình thường.

Ngoài ra, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, khi tiến hành thau rửa giếng người dân cần đặc biệt lưu ý, ít nhất phải có 3 người: một người xuống dưới giếng và hai người ở phía trên hỗ trợ.

“Khi người dân tự ý xuống giếng có thể bị ngạt bởi nước giếng thường lạnh hơn bên ngoài, lòng giếng có đường kính hẹp, do đó khi xuống giếng thau rửa, người lao động sẽ thở rất nhiều, tự bản thân người đó sẽ sinh ra khí CO2. Lượng khí sạch ở giếng rất ít, khí CO2 nặng, trong điều kiện nước giếng lạnh thì sẽ đọng lại ở dưới giếng, khi đó người ta thở bằng chính khí người ta sinh ra và có thể dẫn tới tử vong vì ngạt.

Bởi vậy, để chống lại hiện tượng đó, khi có người ở dưới giếng thì người trên bờ phải chặt một cành cây có đường kính tán gần bằng đường kính của giếng sau đó buộc ngược cành cây (phần lá cành chúc xuống giếng) người trên mặt giếng sẽ kéo lên, kéo xuống liên tục trong suốt thời gian có người ở dưới giếng để thau rửa. Cành cây lúc này có tác dụng như một bơm đối lưu, sẽ làm không khí sạch ở trên xuống, không khí bẩn ở dưới giếng đi lên và khuấy đảo không khí đó sẽ khiến người ở dưới giếng không bị ngạt. Khi xuống thau giếng, giếng càng sâu càng cần tuân thủ như vậy”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Theo LĐTĐ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách làm sạch giếng nước sau mưa lũ