Cách phòng tránh đột quỵ cho người cao tuổi khi thời tiết chuyển lạnh

Thanh Hương|25/10/2021 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm sâu, gia tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, đặc biệt nghiêm trọng đối với người cao tuổi. Cần có biện pháp phòng bệnh hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe cho người già tốt nhất.

Theo Ths.BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, khí hậu thay đổi, trời lạnh đột ngột, người già không kịp thích nghi dễ dẫn đến đột quỵ.

Dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh, mạch máu bị giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.

Cũng theo BS. Nguyễn Đặng Khiêm, những ngày trời lạnh, người già cần hết sức chú ý đến việc tập thể dục buổi sáng. Vì sáng sớm là lúc thời tiết lạnh nhất, cơ thể đang từ trong nhà ấm, ra ngoài gặp phải nhiệt độ thấp đột ngột sẽ không thể thích nghi ngay, dẫn tới các diễn biến bệnh nặng.

Trời lạnh tăng nguy cơ mắc đột quỵ ở người cao tuổi

Để phòng tránh các bệnh về tim mạch, đột quỵ, người già không nên ra ngoài trời lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay, mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.

Với người có bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch… cần tuân thủ điều trị tốt, để tránh các biến chứng.

Đặc biệt, khi thấy người già có các biểu hiện đột quỵ như: Cười méo miệng, tay chân mệt mỏi, khó cử động… người nhà cần đưa ngay tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện và tiến hành chữa trị đột quỵ sớm trong khoảng 6 giờ ngay sau khi xảy ra đột quỵ, thì sẽ tránh được nguy cơ bị yếu liệt sau đột quỵ. Với bệnh nhân nhồi máu cơ tim, nếu được can thiệp từ 30 phút đến một giờ có thể hồi phục tốt.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, trong những ngày trời lạnh, người già cần chú ý các dấu hiệu nghi ngờ về bệnh tim mạch như: Đau thắt ngực, cảm giác khó chịu vùng ngực, khó thở, tức ngực, buồn nôn, nhức đầu… Đặc biệt là các dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch não như: Đột ngột tê hay yếu một bên mặt, tay, chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân… để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Thanh Hương

Bài liên quan
  • Các bệnh người cao tuổi dễ mắc lúc giao mùa
    Moitruong.net.vn – Lúc giao mùa, trong điều kiện thời tiết thất thường, khi nắng gắt, khi mưa nhiều, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi (NCT) ngày một giảm và dễ chịu sự tác động của thời tiết nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Những bệnh dưới đây là những bệnh NCT dễ mắc trong lúc giao mùa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cách phòng tránh đột quỵ cho người cao tuổi khi thời tiết chuyển lạnh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.