Cách xử trí các bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa lũ

Lan Hạ|19/09/2024 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bệnh về da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân,… Một số bệnh ngoài da khác như phát ban, chốc, ghẻ lở, mụn nhọt…là các bệnh liên quan đến thường gặp sau mưa lũ và ngập lụt.

Trong thời điểm mưa lũ, các bệnh về da hay gặp nhất là bệnh da do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân. Nguyên nhân chủ yếu do người dân lội nước nhiều, làn da bị mềm đi, khả năng bảo vệ trước môi trường giảm, khi đó tác nhân bên ngoài môi trường như nấm dễ chui vào. Nấm dễ phát triển trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân...

19-ytea.jpg
Lội nước nhiều, làn da bị mềm đi, khả năng bảo vệ trước môi trường giảm, khi đó tác nhân bên ngoài môi trường như nấm dễ chui vào

Với điều kiện rác thải nhiều, độ ẩm tăng, người dân dễ gặp tình trạng nấm da, nấm bàn chân, có tổn thương bong vẩy ở kẽ chân đầu tiên. Những tổn thương trên thân mình, ở những nếp kẽ có triệu chứng đỏ.

Với triệu chứng ghẻ, người bệnh dễ gặp tổn thương ở vùng bàn tay, lòng bàn tay, vùng da mỏng; có tổn thương nước; da sẩn. Bệnh này ngứa nhiều về đêm, gây ra tình trạng khó chịu cho người bệnh và bệnh cũng lây lan mạnh cho người thân.

Bệnh lý viêm da do vi khuẩn chủ yếu trong thời tiết mưa ẩm, da không còn độ đàn hồi tốt như trước nên dễ bị các vi khuẩn ngoài nấm xâm nhập như chốc, nhọt, viêm nang lông gây viêm da do nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, khi người dân lội nước nhiều, nước có thể chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, kích ứng dẫn tới bàn chân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.

Người dân tiếp xúc hóa chất, kim loại nặng khi ngâm chân nhiều trong nước sẽ có tình trạng đỏ, ngứa, bong vẩy ở vùng tiếp xúc. Ở vùng da mỏng như mặt, cổ nếu tiếp xúc chất khí, chất hơi cũng gặp tình trạng đỏ da, bong vẩy.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch bệnh trong khu vực ngập lụt, tính đến thời điểm này đã có 667 bệnh nhân mắc bệnh về da, tiêu hoá và mắt, trong đó bệnh về da chiếm hơn 76% (với 508 ca).

Riêng tại khoa Da liễu và Bỏng (Bệnh viện Bạch Mai) thời gian gần đây ghi nhận nhiều ca bệnh đến khám với các bệnh lý về da, trong đó chủ yếu là nấm da, viêm da tiếp xúc, viêm kẽ, nhiễm trùng da… do tiếp xúc với nước bẩn và độ ẩm cao.

Thạc sĩ-bác sĩ Phan Nữ Thục Hiền, khoa Da liễu và Bỏng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người bệnh đến khám với các triệu chứng như: Ngứa, đỏ da, bong vảy, phát ban, mụn nước, chảy dịch, loét da, thậm chí gây nhiễm khuẩn, sốt... Đối với bệnh nấm da có thể lây cho những thành viên khác trong gia đình hoặc những người sinh hoạt cùng trong không gian sống.

Khi gặp sự bất thường của làn da, người dân cần tìm chuyên gia da liễu để xử trí sớm. Người dân cần thay đổi thói quen trong mùa mưa lũ như không nên đi tất ẩm, giày ẩm, làm viêm kẽ do nấm, vi khuẩn; phải có thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ hằng ngày; không nên đi khám lung tung, cần đi khám đúng, điều trị đúng.

Ở người lớn hay gặp là nhiễm trùng da (như: Nhọt, áp xe da, viêm mô bào); còn ở trẻ em là chốc, ghẻ. Nguyên nhân do vi khuẩn từ nước bẩn lây nhiễm qua những vết trợt xước, vết thương hở trên da và khi gặp điều kiện ẩm ướt, kém vệ sinh sẽ gây nhiễm trùng da. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn…

Ngoài các bệnh kể trên, môi trường ẩm ướt kéo dài và không có nước sạch sinh hoạt tắm rửa, vệ sinh cũng khiến người dân dễ mắc viêm kẽ (hăm). Khoa Da liễu và Bỏng (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận những trường hợp bị viêm kẽ đến khám. Với bệnh việm kẽ, thường gặp ở những vùng da vị trí nếp gấp (như: Nách, bẹn, kẽ mông…) với những triệu chứng: Mẩn đỏ, ngứa, trợt nông, chảy dịch vàng…

Một bệnh về da cũng thường gặp sau mưa lũ, ngập lụt là ấu trùng xâm nhập qua da (bệnh ấu trùng di chuyển). Cụ thể là ấu trùng giun sán có trong nước lũ xâm nhập vào da.

Do vệ sinh kém, môi trường sống chật chội làm gia tăng nguy cơ bệnh ghẻ, chấy rận và lây lan. Bệnh ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ) gây ra. Bệnh ghẻ là các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục và ngứa rất nhiều về đêm.

Bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày, có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, chốc hóa.

19-yte1a.jpg
Trạm y tế lưu động thăm khám bệnh cho người dân xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai

Đề cập đến việc điều trị các bệnh về da cho người dân sau bão lũ, Tiến sĩ-bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, với các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn da, để điều trị cần dùng dung dịch sát khuẩn/kháng sinh tại chỗ. Trường hợp nặng cần dùng kháng sinh toàn thân. Người dân cần lưu ý, vệ sinh cơ thể ngay khi có thể và luôn giữ khô da nếu được.

Ngoài ra, việc sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau đợt mưa bão cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước. Do đó, phương pháp điều trị bệnh này là dùng thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống chống ngứa.

Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương TS, bác sĩ Phạm Thị Minh Phương cảnh báo hiện có nhiều cách tự điều trị sai lầm của người bệnh dẫn đến bệnh nghiêm trọng hơn như tự đắp lá, ngâm lá, chà sát nhiều hoặc dùng tuýp thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc mượn đơn thuốc của người khác.

Khi đó, tình trạng về da không thuyên giảm mà còn nặng lên. Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải làm sạch, phải chấm khô kẽ chân, tay, giày dép phơi khô thì hãy sử dụng lại.

Người dân nên mặc quần áo dài tay, chất liệu thấm hút tốt và giày dép chống thấm để tránh tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn; đồng thời băng kín các vết thương hở để tránh nhiễm trùng… Nếu có triệu chứng bất thường trên da như ngứa, mụn nước, loét da…, người dân cần đi khám sớm để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Bài liên quan
  • [Infographic] Xử lý nước ăn, uống trong mùa mưa lũ: Cách làm trong nước
    Trong mùa mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn và ô nhiễm. Vì vậy, việc xử lý nước ăn, uống, sinh hoạt là rất quan trọng để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh. Trong đó, làm trong nước là bước đầu tiên cần thực hiện trong quy trình xử lý nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cách xử trí các bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa lũ