Y tế

Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè sau những đợt mưa nắng kéo dài

Anh Minh 12/07/2025 08:00

Thời tiết mùa hè năm 2025 đang có nhiều diễn biến phức tạp với những đợt mưa dông kéo dài, xen kẽ nắng nóng gay gắt. Sự thay đổi đột ngột về thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển, làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo ghi nhận từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 3.000 trường hợp, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, dịch sởi tiếp tục ghi nhận hàng chục ca mắc mỗi tuần. Đáng chú ý, số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng gia tăng trở lại từ tháng 5, với biến chủng NB.1.8.1 đang chiếm tỷ lệ cao nhất. Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát, trong đó sốt xuất huyết có diễn biến đáng lo ngại.

tre_em_mua_nang_nong.jpg
Ảnh minh họa

Tại TP. Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng 134% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ca bệnh diễn biến nặng phải nhập viện. Tình hình tương tự cũng đang xảy ra tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Điều này cho thấy dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng lan rộng và diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước.

Trong số các dịch bệnh mùa hè, tay chân miệng là một trong những bệnh dễ lây lan, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch còn yếu. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết như nước bọt, dịch mũi họng, các nốt phỏng, hoặc qua vật dụng sinh hoạt chung. Các dấu hiệu ban đầu gồm sốt, đau họng, kém ăn, sau đó xuất hiện loét miệng và phát ban ở lòng bàn tay, chân, mông hoặc vùng sinh dục. Trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là đối tượng có nguy cơ cao, dễ hình thành ổ dịch trong cộng đồng nếu không được phòng ngừa hiệu quả.

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã có nhiều cảnh báo và chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng chống dịch. Các địa phương được yêu cầu phối hợp liên ngành để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng dịch, đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, không để bỏ sót các đối tượng cần tiêm, đặc biệt là trẻ em. Ngoài ra, các cơ sở y tế phải nâng cao năng lực giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và cửa khẩu, chủ động kiểm soát và xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện.

Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức các đội cơ động nhằm hỗ trợ trạm y tế địa phương trong công tác điều tra, xác minh và triển khai kịp thời các biện pháp chống dịch. Đồng thời, cơ quan y tế cũng tiến hành đánh giá hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine sởi giai đoạn 2024–2025, xác định các khu vực có nguy cơ cao và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thay đổi tư duy từ phản ứng thụ động sang chủ động phòng ngừa. Việc chủ động tiêm phòng đầy đủ, dọn dẹp vệ sinh nơi ở, diệt lăng quăng, muỗi, sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân như xịt chống muỗi, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên... là những hành động thiết thực giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần theo dõi sát các khuyến cáo từ cơ quan y tế để kịp thời phòng tránh và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Bài liên quan
  • Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh mùa bão lũ
    Trong và sau bão, mưa lũ, ngập lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa lụt bão, mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè sau những đợt mưa nắng kéo dài
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.